Rau củ mua về cho bé ăn dặm có thể nhanh chóng bị mất đi các vitamin và dưỡng chất nếu mẹ không biết bảo quản đúng cách. Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết, nguyên tắc chung của việc bảo quản rau củ cho bé ăn dặm là không nên để chung rau, củ và quả.
- Cách nấu cháo cá hồi cho bé 7 tháng ăn dặm
- Loại rau củ giúp trẻ tăng chiều cao tự nhiên dù cha mẹ lùn tới mấy lại thông minh vượt trội
Để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng và đảm bảo độ tươi ngon, mẹ nên bảo quản rau củ riêng biệt, cho vào 2 ngăn khác nhau. Cách bảo quản đối với từng loại rau củ cụ thể như sau:
Cách bảo quản rau củ cho bé ăn dặm
Rau cho lá
Các loại rau cho lá, thân mẹ không nên để vào túi ni lông kín. Thay vào đó, mẹ nên cho vào những túi ni lông đã chọc thủng lỗ hở để rau có thể hô hấp. Ngoài ra, chị em cũng không nên buộc dây vào thân các loại rau kẻo ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Bé ăn phải những loại rau này sẽ đi ngoài phân lỏng, màu đen và có biểu hiện nhiễm tạp khuẩn.
Hành, tỏi
Đối với việc bảo quản hành tỏi, mẹ cần lưu ý một số điều sau:
- Không bảo quản trong tủ lạnh mà cần để nơi khô ráo, tránh ánh sáng.
- Không rửa hành, tỏi khi bảo quản, chỉ khi nào sử dụng mới rửa sạch.
- Nên bảo quản trong túi giấy.
- Tránh để chung hoặc để hành, tỏi gần khoai tây vì có thể sinh ra chất gây buồn nôn khi ăn.
- Bảo quản ở nơi tối để hành, tỏi không bị đắng.
Khoai tây
Mẹ không nên rửa khoai tây với nước trước khi bảo quản. Thay vào đó, mẹ nên dùng khăn giấy lau sạch bụi, cát rồi cho vào túi giấy bảo quản nơi thoáng mát, tránh ánh sáng. Mẹ lưu ý tuyệt đối không để gần hành, tỏi, táo, chuối vì dễ sinh ra các chất độc ở những mầm xanh trên vỏ khoai tây.
Măng tây
Măng tây là loại rau giàu kali và vitamin nhóm B cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Để bảo quản măng tây đúng cách, khi mua về mẹ nên cắt 1 đoạn gốc măng tây rồi cắm vào ly nước. Phần ngọn chị em dùng bao ni lông quấn quanh, bảo quản trong vòng 4 ngày. Khi sử dụng, mẹ chỉ cần cắt bỏ đoạn măng tây nhúng vào nước.
Cà rốt
Cà rốt mua về mẹ cắt bỏ phần ngọn màu xanh (phần lá của cà rốt) rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Cà rốt đã luộc và cắt dạng thanh que khi mẹ tập cho bé cầm ăm dặm thì nên cho vào 1 chén nhỏ đổ ít nước bên trong. Cứ 2 – 3 giờ mẹ thay nước một lần và cho bé dùng trong vòng 24 giờ.
Chuối
Để bảo quản chuối đúng cách mẹ nên bẻ hoặc cắt rời từng trái chuối ra khỏi nải. Tiếp đến quấn phần gốc mỗi trái chuối với túi ni lông rồi bảo quản nơi thoáng mát, không cần tủ lạnh. Khi chuối chín có thể giữ lạnh và ăn trong vòng 3 ngày là tốt nhất.
Nấm
Ở tuần thứ 6 của giai đoạn bé ăn dặm, mẹ đã có thể cho bé ăn nấm. Nấm mua về mẹ lấy ra khỏi túi ni lông và không nên rửa nước. Mẹ nên dùng 1 chiếc khăn giấy hoặc một miếng vải mềm sạch lau bụi bặm, đất bẩn dính trên nấm. Sau đó mẹ bảo quản nấm trong túi giấy, đóng kín rồi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh. Thời gian bảo quản nấm tốt nhất là trong vòng 7 ngày.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Anh
(Khoa dinh dưỡng - Bệnh viện Hoàng gia Worcester - Vương quốc Anh)