Phương pháp giáo dục của bà mẹ từng vướng nhiều chỉ trích từ mọi người xung quanh.
- Nghỉ Tết quá dài làm kiến thức "bay" hết, làm thế nào để lấy lại động lực học tập sau kỳ nghỉ?
- Trẻ được sinh ra vào 3 khung giờ này được hưởng nhiều phúc khí, mang lại phú quý cho cha mẹ
Tiểu Mai – một bà mẹ ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã quyết định cho 3 con nhỏ nghỉ học ở nhà để tự cô dạy dỗ. Thời điểm Tiểu Mai đưa ra quyết định là sau khi dịch bệnh nơi cô sinh sống được kiểm soát. Cô nghĩ rằng dịch bệnh xảy ra, bối cảnh xã hội tác động khiến cuộc sống con người thay đổi, xuất hiện nhiều xu hướng mới. Một trong những xu hướng đó là phát triển khả năng tự học, nâng cao giáo dục gia đình.
Khi cho các con nghỉ học ở trường, 3 con của Tiểu Mai lần lượt học lớp 1, lớp 3 và lớp 6. Đến nay, sau 6 năm các con không đến trường, cô đã rút ra cho mình hàng loạt kinh nghiệm và quan điểm mới về cách giáo dục trẻ. Trong thời gian qua, cô và chồng không ngừng tìm tòi tài liệu và các cách giáo dục khoa học để giúp con phát triển toàn diện.
Không có bằng cấp không đáng sợ, nỗi sợ lớn nhất là thiếu khả năng tự học
Tiểu Mai chia sẻ, bản thân cô không nóng vội, suy nghĩ nông cạn khi cho các con nghỉ học. Trước quyết định trên, cô đã suy nghĩ rất lâu và được sự đồng ý từ chồng. Tiểu Mai là một bà mẹ tri thức, có thành tích học tập xuất sắc từ nhỏ. Cô cũng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính tại một trường đại học top đầu Trung Quốc. Sau đó, cô lại đi Mỹ du học và lấy bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính.
Tiểu Mai là người có bằng cấp nhưng chưa hài lòng với cuộc sống, luôn cảm thấy mình là nạn nhân của giáo dục. Cô thấy hệ thống giáo dục tại châu Á rất giỏi đào tạo nên những học sinh kiệt xuất có thể đáp ứng mọi kỳ thi. Họ dạy trẻ điểm số là điều quan trọng nhất và vào "trường chuyên, lớp chọn" là điều tuyệt vời. Cách giáo dục này khiến cô rơi vào 4 tổn thương.
- Tổn thương 1 – Luôn cảm thấy cuộc sống vô vị: Tiểu Mai từng nỗ lực học tập không ngừng. Cô đã trúng tuyển vào ngôi trường đại học top đầu, đạt được mục tiêu học tập. Nhưng cô luôn cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, chẳng có ý nghĩa.
- Tổn thương 2 – Bỏ lỡ cơ hội phát triển sở thích, thiếu hụt kỹ năng mềm: Từ nhỏ, Tiểu Mai chỉ biết đến việc học, không có cơ hội phát triển năng khiếu hay sở thích khác. Cô từng khao khát được chơi piano, chơi cờ và vẽ tranh. Nhưng mọi ước muốn đều bị bố mẹ gạt đi.
Lớn lên, cô trở thành người phụ nữ có bằng cấp, có địa vị nhưng kỹ năng sống rất kém, kiến thức lĩnh vực khác gần như không có. Tệ hại hơn, cô không biết làm việc nhà. Hồi còn nhỏ, bố mẹ Tiểu Mai không để cô phụ giúp việc nhà vì muốn cô dành toàn bộ thời gian cho việc học. Mãi đến khi cô chuẩn bị kết hôn, mẹ mới cuống quýt dạy cô cách nấu nướng, chăm sóc người thân.
- Tổn thương 3 – Hủy hoại khả năng tự học: Tiểu Mai cho rằng, hệ thống giáo dục cứng nhắc, thiếu đổi mới đang hủy hoại khả năng tự học, sự sáng tạo của trẻ. Trẻ dường như không còn động lực để học thêm những điều mới.
- Tổn thương 4 – Không được làm công việc mình yêu thích: Từ nhỏ, Tiểu Mai đã học đều tiếng Trung, tiếng Anh và Toán học. Cô mơ ước khi lớn lên sẽ đi theo con đường dịch thuật, trở thành một phiên dịch viên. Nhưng bố mẹ cô không cho phép: "Con học giỏi Toán thì con nên làm công việc liên quan đến khoa học, kỹ thuật. Đây mới là thứ tốt cho tương lai, giúp con kiếm nhiều tiền".
Mọi sở thích, đam mê của Tiểu Mai đều bị bố mẹ gạt đi. Cô đành ngậm ngùi nghe theo lời bố mẹ trong sự tiếc nuối và có chút bất mãn. Lên đại học, cô theo đuổi ngành Kỹ thuật máy tính, rồi đi du họ, lấy bằng Thạc sĩ Khoa học máy tính. Ra trường, Tiểu Mai xin được vào một công ty lớn nhưng càng làm việc cô càng thấy chán nản, không hứng thú. Vì thế, trong nhiều năm đi làm, cô không đạt được thành tựu lớn hay có sự bứt phá.
Cuối cùng, Tiểu Mai quyết định nghỉ việc và bắt đầu lại với nghề dịch thuật – công việc cô yêu thích khi còn là học sinh. Dĩ nhiên, bố mẹ cô phản đối gay gắt nhưng lần này cô quyết định không nghe theo sự sắp đặt. Cô muốn được sống cuộc đời của chính mình.
Nhờ nỗ lực không ngừng, Tiểu Mai bắt nhịp với công việc rất nhanh. Dần dần, cô trở thành một phiên dịch viên cừ khôi. Hiện tại, cô rất yêu công việc của mình, làm việc hăng say đến quên ăn quên ngủ. Nhờ đó, cô được nhiều nhà xuất bản, công ty biết đến. Họ đánh giá cô rất cao, trả lương nhuận hậu hĩnh mà không cần xem bằng đại học có theo đúng chuyên ngành.
Sau những thăng trầm, Tiểu Mai rút ra được một bài học lớn: Nếu một người có năng lực làm việc thì dù không có bằng đại học vẫn tạo nên tiếng vang lớn, sự nghiệp lớn.
Vì thế, Tiểu Mai quyết định đưa con ra khỏi hệ thống giáo dục truyền thống và chọn phương pháp tự học ở nhà. Cô tin nếu được sự tự do, các con của cô có cơ hội trở thành người xuất sắc. Bởi giáo dục tại nhà không bị giới hạn bởi khuôn khổ. Và trẻ em hoàn toàn có thể dành thời gian, sức lực phát triển thế mạnh của bản thân.
Bài học đắt giá rút ra sau quãng thời gian 6 năm tự dạy con học ở nhà
Đến nay, các con của Tiểu Mai đã có 6 năm tự học ở nhà, hoàn toàn không đến trường. Việc hướng dẫn con học đều do cô và chồng phụ trách. Sau quãng thời gian đủ dài, cô rút ra được 3 kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ cần trau dồi.
"Trong giáo dục, trẻ chỉ cần nắm vững 3 kỹ năng: Đọc, viết và tính toán. Đây đều là kỹ năng sử dụng hằng ngày và việc thành thạo chúng sẽ đem đến một cuộc sống tốt đẹp", Tiểu Mai nhấn mạnh.
1. Kỹ năng đọc:
Kỹ năng này là quan trọng nhất, giúp trẻ mở ra cơ hội tiếp thu thông tin không giới hạn. Việc đọc mang đến cho con người kho tàng tri thức vô tận. Và con người học mọi lĩnh vực đều thông qua việc tự đọc, tự tìm hiểu.
Cha mẹ có thể trau dồi khả năng đọc cho trẻ bằng cách cung cấp những cuốn truyện hay, cuốn sách có hình thức bắt mắt và tạo không gian đọc sách lý thú cho trẻ khi ở nhà. Điều này giúp khơi dậy hứng thú đọc sách cho trẻ.
2. Kỹ năng viết:
Kỹ năng viết cũng rất quan trọng bởi nó là công cụ để diễn đạt, giao tiếp, thể hiện cảm xúc bản thân. Viết tốt sẽ giúp trẻ phát triển được thế mạnh bản thân. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ nên hướng dẫn con cách viết đúng, luyện viết đẹp. Lớn lên nữa thì dạy con cách viết một bài luận logic, sắc sảo.
Không có bí quyết nào để trau dồi kỹ năng viết ngoài việc viết thật nhiều, luyện viết hàng ngày. Để hình thành thói quen tốt cho con, cha mẹ có thể yêu cầu trẻ mỗi ngày viết một đoạn văn ngắn hay đơn giản là viết nhật ký. Điều quan trọng là tạo cơ hội để trẻ được rèn luyện.
Tiểu Mai đã đưa ra yêu cầu cho 3 con của cô là viết suy nghĩ, cảm nhận sau khi đọc xong một cuốn sách hay xem xong một bộ phim. Cô nhận thấy phương pháp này rất hiệu quả vì giờ các con của cô đều có khả năng viết lách tốt, vốn từ phong phú.
Mỗi đứa trẻ đều có những đặc điểm riêng biệt. Vì thế, cách hướng dẫn trẻ luyện viết cũng chẳng theo công thức chung nào. Cha mẹ cần vận dụng các phương pháp một cách khéo léo, phù hợp mới khơi dậy niềm yêu thích trong trẻ.
3. Kỹ năng tính toán:
Kỹ năng tính toán là khả năng thực hiện phép tính cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Tiểu Mai nhận thấy nhiều trẻ không có năng khiếu Toán học nhưng bị ép giải những bài tập khó, học kiến thức cao siêu. Điều này khiến trẻ áp lực và mệt mỏi. Nhưng thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, trẻ chỉ cần áp dụng kỹ năng tính toán cơ bản, đâu cần sự phức tạp.
Đối với những đứa trẻ không có năng khiếu Toán học, trẻ chỉ cần học kiến thức ở trình độ đơn giản. Thời gian còn lại, trẻ nên tập trung trau dồi, rèn luyện những môn học thế mạnh của bản thân. Như vậy, trẻ mới đạt được kết quả học tập tốt.
Đến nay, Tiểu Mai không hề cảm thấy hối hận khi quyết định cho các con nghỉ học ở nhà để tự giảng dạy. Cô muốn con mình được học tập theo nội dung phù hợp với năng khiếu và sở thích. Cô thấy phương pháp này không gây lãng phí thời gian, mang lại hiệu quả cao và không đánh mất tuổi thơ tươi đẹp của con.