Cai được cữ bú đêm không những mẹ đỡ vất vả mà cũng tốt hơn cho con.
Mách mẹ cách cai sữa cho con vào ban đêm cực hiệu quả để bé ngủ tròn và sâu giấc nhé!
Ở độ tuổi nào nên cai sữa đêm cho bé?
Mặc dù mỗi em bé có một nhu cầu khác nhau, nhưng về cơ bản trẻ ở độ tuổi từ 4 đến 6 tháng là đã có đủ lượng calo trong cơ thể để ngủ ngon giấc suốt đêm. Tuy nhiên, nhiều trẻ vẫn tỉnh giấc đêm đòi bú hoặc chính sự lo con đói của các bà mẹ trẻ đã đánh thức bé dậy trong đêm.
Tuy nhiên, nếu bạn mới trở lại làm việc sau thời gian ở cữ, bé có thể muốn bú đêm như là một cách "kết nối" lại với mẹ. Điều này khiến việc bú đêm khó lòng có thể chấm dứt trong một sớm một chiều.
Bé cũng có thể tỉnh dậy thường xuyên hơn vào ban đêm khi bé mọc răng hoặc bị cảm lạnh. Để dỗ bé ngủ lại, các bà mẹ thường cho con bú, điều này khiến việc cai sữa đêm cũng gặp khó khăn.
Với tất cả những lý do này, điều quan trọng để tiếp cận quá trình cai sữa là dần dần và nhẹ nhàng. Hãy nhớ răng bé còn quá nhỏ để bạn đưa vào "quy củ" một cách khắc nghiệt, hãy luôn ghi nhớ việc làm mọi thứ sao cho thật thoải mái, gần gũi để các bé không căng thẳng nhé!
Làm thế nào để biết bé đã sẵn sàng cai sữa đêm?
Câu trả lời là nếu bé nhà bạn đã được 4 đến 6 tháng điều này là hoàn toàn có thể. Tất nhiên, ngay cả khi các bé không cảm thấy đói và không cần ăn giữa đêm, chúng có thể vẫn thức dậy vào buổi đêm vì nó đã trở thành thói quen và bạn sẽ mất một thời gian khá lâu để thay đổi thói quen này.
Hãy suy nghĩ tỉnh táo rằng, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu thường xuyên mất ngủ. Chính vì vậy, quyết định cai sữa đêm cho con là nhu cầu chính đáng cho cả mẹ và bé.
Nếu bạn không chắc chắn về việc bé nhà bạn có thể thích nghi với việc cai sữa đêm, hãy nói chuyện với bác sỹ chuyên khoa. Các bác sỹ sẽ tư vấn cho bạn cách cai sữa phù hợp dựa trên những vấn đề của bạn và sự phát triển của bé để trẻ được đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất.
Bí quyết để cai sữa đêm cho bé
Bắt đầu quá trình cai sữa từ từ và dần dần: Hãy cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình vào buổi đêm ít dần đi và cố gắng kéo dài khoảng thời gian giữa các lần ăn để bé quen với việc ngủ dài hơn vào buổi đêm. Sau khoảng 1 tuần, bé có thể quen với việc ăn ít hơn vào buổi đêm, nếu bé vẫn tỉnh giấc đó chỉ là thói quen được duy trì trước đó, hãy vỗ về và an ủi để bé ngủ lại.
Cho bé ăn nhiều lần trong ngày để không bị đói: khi các bé của bạn lớn hơn, chúng có thể bị đói và điều này khiến các bé cần ăn đêm để duy trì cảm giác no đủ. Nếu bạn muốn bé có thể ngủ tròn giấc vào ban đêm hãy đảm bảo việc bạn đã cho bé ăn đủ lượng thức ăn mà bé cần trong ngày.
Cho bé ăn thêm bữa phụ vào buổi tối: điều này sẽ giúp trẻ không bị đói và tỉnh dậy lúc nửa đêm . Bạn thậm chí có thể đánh thức trẻ và cho các bé ăn bữa cuối cùng trước giờ đi ngủ của bạn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, nên cho trẻ ăn trước lúc chúng ngủ và cố gắng đừng đánh thức khiến giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn.
Đừng cố gắng cai sữa đêm cho bé trong giai đoạn "nhạy cảm": nếu bạn đang chuẩn bị trở lại làm việc hoặc bé đang ở giai đoạn sốt mọc răng hoặc mắc các bệnh thông thường khác hãy cho bé thêm chút thời gian và đây không phải là thời điểm tốt nhất để bé cai sữa đêm.
Hãy để chồng chăm con nếu bé tỉnh dậy lúc nửa đêm: khi bé tỉnh dậy vào buổi đêm, mùi quen thuộc của mẹ hoặc sữa mẹ có thể khiến bé muốn bú. Nếu đang trong giai đoạn đầu cai sữa đêm cho trẻ, bạn hãy nhờ sự giúp đỡ của chồng để "cách ly" trẻ trong giai đoạn này nhé!
"Tâm sự" và vỗ về bé: Một trong những cách thôi bú cho bé nhẹ nhàng, giúp bé quên dần đi thói quen bú sữa đêm là nói chuyện với trẻ. Các mẹ cũng nên nhẹ nhàng xoa lưng cho bé để con cảm thấy dễ chịu hơn. Có thể bạn nghĩ rằng tâm sự với trẻ lúc này là không cần thiết nhưng bé sẽ cảm thấy mẹ vẫn gần gũi và yêu thương dù bạn không cho trẻ bú. Điều này thật tuyệt biết bao!