Chảy máu cam là hiện tượng thường gặp ở trẻ em. Khi bé đột ngột bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh cầm máu cho con theo các bước sơ cứu đơn giản dưới đây.
- Cha mẹ phải làm gì khi trẻ không chịu uống nước?
- 2 tư thế ngủ dễ khiến trẻ còi xương, chậm phát triển
Nguyên nhân trẻ bị chảy máu cam
Việc chảy máu cam quá nhiều có thể khiến trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng cơ thể. Trẻ có thể bị hoa mắt, chóng mặt và nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng.
Chảy máu cam ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trẻ gặp phải hiện tượng này thông thường do vách ngăn mũi bị tổn thương và những nguyên nhân cơ bản khác như:
Thiếu vitamin C: Vitamin C giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Việc thiếu hụt loại vitamin này dễ khiến sức đề kháng của trẻ yếu đi, hệ hô hấp dễ bị nhiễm khuẩn gây tổn thương vùng mạch máu dẫn đến hiện tượng chảy máu cam.
Mất cân bằng độ ẩm: Thường xuyên nằm điều hòa có thể làm mũi trẻ bị mất cân bằng độ ẩm khiến mũi khô, dễ chảy máu cam.
Viêm mũi: Khi bị viêm mũi, hệ thống mạch máu trong khoang mũi của trẻ sẽ có những biến đổi nhất định dẫn đến hiện tượng chảy máu cam.
Ngoài ra, trẻ bị chảy máu cam còn do các yếu tố bẩm sinh khác liên quan đến cấu trúc thành mạch máu, cấu tạo vách mũi mỏng dẫn đến việc dễ bị tác động từ bên ngoài.
Xử lý khi trẻ bị chảy máu cam
Khi trẻ bị chảy máu cam, cha mẹ cần bình tĩnh xử lý việc cầm máu theo các bước:
Bước 1: Lau sạch máu mũi cho trẻ. Yêu cầu bé xì nhẹ mũi để bỏ cục máu đông bên trong mũi. Máu có thể chảy nhiều hơn nhưng sẽ ngưng nhanh chóng. Nếu trẻ quá nhỏ, mẹ có thể bỏ qua yêu cầu này.
Bước 2: Cho trẻ ngồi thẳng lưng, đầu và cổ ngả nhẹ về phía trước. Tư thế này sẽ ngăn cản việc máu chảy xuống vùng họng, hạn chế nguy cơ nôn và tiêu chảy có thể xảy ra. Mẹ tuyệt đối không để trẻ nghỉ trong các tư thể: Nằm, ngả đầu ra sau hoặc kẹp đầu giữa hai đầu gối.
Bước 3: Mẹ cầm máu cho trẻ bằng cách dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt hai bên cánh mũi (phần chóp mũi mềm) để nhanh cầm máu và chờ đợi trong vòng 10 phút. Trường hợp chảy máu một bên mẹ cũng nên bóp chặt hai bên cánh mũi.
Bước 4: Trong khi chờ máu ngừng chảy, mẹ có thể đọc sách cho trẻ hoặc xem tivi. Không nên thả tay thường xuyên để kiểm tra máu đã ngừng chảy hay chưa. Các tiểu cầu và tơ máu cần thời gian để kết thành những cục máu đông trong quá trình đông máu.
Bước 5: Mẹ có thể kết hợp việc chườm đá lạnh hoặc đặt khăn thấm nước mát lên vùng mũi hoặc cho trẻ ngậm một viên đá nhỏ. Phương pháp này sẽ giúp các mao mạch máu vùng mũi co lại, làm chậm quá trình chảy máu. Thỉnh thoảng, mẹ đừng quên nhắc trẻ nhổ máu tích tụ trong miệng ra ngoài. Sau 10 phút, mẹ thả tay xem trẻ đã ngưng cơn chảy máu mũi hay chưa.
Lưu ý khi xử lý trẻ bị chảy máu cam
Sau khi thực hiện các bước sơ cứu trẻ bị chảy máu cam, nếu máu vẫn chảy không ngừng hoặc bé thường xuyên có các dấu hiệu chảy máu mũi kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, tim đập nhanh, khó thở hoặc thở khò khè, sốt, nôn ra máu… mẹ cần đưa đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ cũng có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian cho trẻ khi bị chảy máu cam như: Uống nước lá sen tươi; Dùng lá dâu, lá nho non hoặc lá bạc hà giã nát, đắp vào mũi cầm máu cho trẻ.