Bố mẹ lơ mơ về “cậu nhỏ” của bé, có ngày hối không kịp

Chăm sóc con 07/04/2018 13:30

Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm đến cách chăm sóc các “cô bé” mà không có tí kiến thức nào về việc chăm sóc bộ phận sinh dục của bé trai. Do vậy, cần đặc biệt lưu ý những bất thường dưới đây của các “cậu bé” để có những xử trí kịp thời.

Bố mẹ lơ mơ về “cậu nhỏ” của bé, có ngày hối không kịp - Ảnh 1

Lún dương vật

Lún dương vật hay còn gọi là tụt dương vật hoặc dương vật bị vùi. Biểu hiện của tình trạng lún dương vật là lỗ tiểu đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật thẳng, nhưng dương vật bị lún tụt xuống dưới hoặc ngang mức của xương mu. Ống da dương vật thường nhỏ và ngắn, bao quy đầu hay bị chít hẹp, bìu bình thường. Khi đi tiểu, trẻ thường phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật để nó thò ra. Nguyên nhân chính của bệnh lún dương vật là dải cân Dartos xơ hóa bất thường, kéo thân dương vật về phía sau hoặc lớp mỡ dày bất thường ở da trên mu và quanh dương vật, che lấp một phần cơ quan này. Khi được đưa đi khám, hầu hết các trẻ này được chẩn đoán là chít hẹp bao quy đầu nên được chữa bằng nong bao quy đầu. Tuy nhiên, thường không có hiệu quả cho dù có nong tới vài lần. Có bệnh nhân lại được mổ cắt bao quy đầu. Cách chữa này lại làm bệnh nặng thêm vì bao quy đầu là chất liệu cần thiết để che phủ thân dương vật sau ca mổ làm dài dương vật. Cách chữa đúng phải tùy theo nguyên nhân mới có phương pháp điều trị phù hợp.

Dương vật bé

Chiều dài khi cương quan trọng hơn là ở "trạng thái nghỉ”. Kéo nhẹ dương vật và đo từ gốc đến ngọn, loại trừ đám mô mỡ vùng mu để có chiều dài tính từ gốc. Ở trẻ sơ sinh, dương vật dưới 1,9 cm thì coi là dương vật bé.

Dương vật bé xảy ra khi có vấn đề hoóc môn ở một thời điểm nào đó sau tuần lễ thứ 14 của thai nghén, khi nó đã hình thành rồi. Cần kiểm tra nồng độ hoóc môn, các nhiễm sắc thể để xem có hội chứng nào về gene không. Thử nghiệm dùng testosterone trong 3 tháng, nếu dương vật phát triển thì có nhiều triển vọng rằng khi trưởng thành, trẻ sẽ có kích thước và chức năng dương vật bình thường. Nếu dương vật không đáp ứng với kích thích testosterone thì có khó khăn về vấn đề giới.

Dương vật bị kẹt

Dương vật có kích thước bình thường, một phần bị kẹt trong đám mô mỡ ở vùng mu, thường là do cắt bao quy đầu gây ra. Sự thành hình sẹo hay dính đã làm cho dương vật bị kẹt lại trong đám mô mỡ vùng mu. Tình trạng này dễ làm cho trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu do bị ứ đọng nước tiểu, vì vậy cần can thiệp ngoại khoa.

Dương vật có vạt da hai bên thân

Kích thước bình thường nhưng mảnh da hai bên bìu phát triển và dính vào thân dương vật. Tình trạng này có thể bẩm sinh hoặc do cắt chít bao quy đầu quá rộng, gây dính da bìu vào da dương vật. Dương vật có vạt da thường không gây ra vấn đề gì, và có thể khắc phục bằng ngoại khoa.

Cong, vẹo dương vật

Lỗ đái vẫn ở đúng vị trí, khi dương vật cương cứng thì thấy bị cong vẹo xuống phía dưới hoặc sang một bên kèm theo dương vật bị xoay trục nên trông như quả chuối cong. Lúc bệnh nhân còn nhỏ, dị tật này còn có thể chưa rõ hoặc chưa được chú ý lắm nhưng khi lớn lên bệnh nhân thấy buồn, bi quan về biến dạng này và tự nhiên thấy càng ngày dương vật càng cong hơn. Trẻ càng lớn, tuy biết có sự khác thường nhưng thường không dám tâm sự cùng bố mẹ, anh em, giấu kín bạn bè để rồi âm thầm chịu đựng nỗi khổ tâm một mình và không dám nghĩ tới có bạn gái nữa. Một số ít bệnh nhân tự đi tìm nơi chữa bệnh, còn một số thì do có sự căng thẳng tâm lý và sinh hoạt bất thường nên bố mẹ tìm hiểu nguyên nhân thì mới biết. Dị tật này chữa được và nên mổ khi bệnh nhân còn nhỏ, trước tuổi đi học.

Sưng tấy dương vật

Bất thường này rất dễ được phát hiện. Nếu mẹ thấy đầu dương vật của con hơi đỏ, bị sưng và đôi khi có mủ thì cần đưa con đi kiểm tra. Hiện tượng này thường xảy ra đối với những bé bị hẹp da quy đầu. Vì vậy, khi mẹ tắm cho con, hãy rửa ráy cẩn thận bộ phận sinh dục cho bé. Mẹ cũng chú ý giữ sao cho bộ phận sinh dục của bé không bị hấp hơi, ẩm ướt. Không nên cho con mặc quần áo chật, hoặc các loại quần áo khó thấm bằng vải tổng hợp hay cao su. Nếu cho con đi tắm biển mùa hè, hãy kiểm tra kỹ để đảm bảo cát không lọt vào bộ phận sinh dục và lưu lại ở đấy.

Bố mẹ lơ mơ về “cậu nhỏ” của bé, có ngày hối không kịp - Ảnh 2

 Tinh hoàn ẩn

Bình thường, khi sinh ra bé đã có 2 tinh hoàn nằm trong bìu, nhưng ở một số trẻ bị dị tật, một hoặc hai bên tinh hoàn không nằm đúng chỗ mà lại ẩn ở vùng bẹn, có trường hợp phức tạp hơn là tinh hoàn ở trong ổ bụng. Khi ấy, bìu của con không thấy có tinh hoàn. Dị tật này dễ phát hiện và không cần đưa bé đi khám sớm quá vì thời gian đầu (trước 1 tuổi) tinh hoàn có thể tự di chuyển xuống vị trí của nó. Sau 1 tuổi mà vẫn không sờ thấy tinh hoàn trong bìu con thì nên đưa bé đi khám để có lời khuyên xử trí hợp lý nhất. Nếu phải can thiệp bằng phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu thì nên thực hiện khi trẻ 3-4 tuổi, không chần chừ đợi khi trẻ lớn mới thực hiện. Tinh hoàn lạc chỗ, nhất là khi nằm trong ổ bụng lâu ngày có thể bị ung thư hóa.

Ứ nước màng tinh hoàn

Đây cũng là bệnh lành tính và khá phổ biến ở các bé trai mà ít được để ý và phát hiện sớm. Thường lúc nằm trong bụng mẹ, trẻ nào cũng có một ống nhỏ nối liền từ bụng tới phần bìu nhưng khi sinh ra ống này bị bịt lại. Tuy nhiên, ở nhiều trẻ do còn ống thông này nên nước từ ổ bụng chảy xuống bìu gây ra bệnh nước màng tinh hoàn. Khi đó, tinh hoàn bị nằm trong một bọc nước. Khi quan sát sẽ phát hiện một hoặc cả hai bên bìu của trẻ to, nắn vào thấy một khối căng toàn nước. Nhiều trẻ vừa đẻ ra đã có hiện tượng trên và có thể sau 1-2 tháng thì hết vì nước đã trở về ổ bụng và hai tinh hoàn lại bình thường. Tuy nhiên, nếu sau 1 tuổi vẫn thấy bé có tình trạng trên thì nên đưa con đi khám chuyên khoa. Bệnh này thường phải xử lý bằng phẫu thuật thắt ống thông, giải thoát hết nước ở màng tinh hoàn. Tuy không phải là bệnh nguy hiểm, nếu cứ để vậy không phẫu thuật thì tinh hoàn luôn nằm trong bọc nước sẽ không phát triển được, sẽ ảnh hưởng khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành.

Tinh hoàn lệch vị trí

Tinh hoàn lệch vị trí thường xảy ra với bé dưới 6 tuổi và mẹ không cần quá lo lắng. Bởi sau một thời gian, tinh hoàn bị “lạc” sẽ tự lọt xuống bộ phận sinh dục và về đúng vị trí.

Ngoài ra, mẹ có thể giúp tinh hoàn của con nhanh về vị trí bằng cách: cho bé nằm lên giường, sau đó dùng tay ấn nhẹ ngang phần háng để tinh hoàn tụt xuống. Cách làm này có thể đạt hiệu quả nếu đây chỉ là hiện tượng sinh lý bình thường ở bé.

Trong trường hợp, mẹ đã thực hiện cách trên và theo dõi trên 6 tuổi, tinh hoàn bé vẫn không về vị trí thì cần cho bé đi làm phẫu thuật.

Tinh hoàn xoắn

Tinh hoàn xoắn là tình trạng khá nguy hiểm, nếu không phát hiện kịp thời có thể dẫn đến hậu quả khôn lường, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của con sau này. Một số dấu hiệu để mẹ nhận biết tinh hoàn xoắn là: con thường quấy khóc, bìu sưng to, đỏ, rát, đau ở một bên tinh hoàn, đi tiểu buốt, gắt… Ngay khi có các dấu hiệu này, mẹ cần dưa con tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Nếu cấp cứu kịp thời, bác sĩ sẽ mổ gấp để tháo xoắn, cứu được cả 2 tinh hoàn. Nếu quá trễ có thể khiến con mất một bên tinh hoàn hoặc cả 2 bên.

Giãn tĩnh mạch tinh

Đây là tình trạng giãn ngoằn ngoèo các tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn. Nguyên nhân do gia tăng áp lực của tĩnh mạch thận trái hoặc van tĩnh mạch có bất thường. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường do máu chảy ngược về chỗ thấp (thay vì chảy về tim). Tĩnh mạch bị giãn làm ứ đọng máu vùng tinh hoàn. Tình trạng này gây cản trở việc tưới máu cho tinh hoàn, ảnh hưởng đến sản xuất tinh khi bé trai trưởng thành. Hầu hết giãn tĩnh mạch tinh không có triệu chứng. Thỉnh thoảng, có thể gây đau nhẹ hay cảm giác nặng ở vùng bìu. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, có thể thấy sưng ở phía trên bìu. Bệnh có thể làm giảm khả năng sinh tinh trùng, teo tinh hoàn, đau bìu kéo dài.

Lỗ tiểu thấp

Bất thường này mẹ cũng có thể nhận ra khi con trai có lỗ tiểu không ở giữa đầu dương vật mà lại ở phía dưới dương vật. Trường hợp này, con cần phải được phẫu thuật để tạo ra đường ống tiểu thẳng bình thường. Trường hợp lỗ tiểu đóng thấp ở nửa giữa thân dương vật và gốc bìu dương vật, thậm chí sát hậu môn, dễ gây ra vô sinh. Thành ra, bé cần được thực hiện phẫu thuật càng sớm càng tốt, tốt nhất là trước khi trẻ 2 tuổi.

Viêm đường tiết niệu

Mặc dù bộ phận sinh dục bé trai có cấu tạo đơn giản hơn bé gái nhưng vẫn có thể xảy ra nguy cơ viêm đường tiết niệu. Triệu chứng của bệnh này là: bé bị đau bụng quằn quại, sốt, quấy khóc, bỏ ăn… Mẹ cần cho con đi khám để chụp X-quang phòng trường hợp con bị dị tật bộ phận sinh dục bẩm sinh.

Trong trường hợp bé được kết luận viêm đường tiết niệu, mẹ cần phải chăm sóc con cẩn thận, lâu dài vì nếu không cẩn thận có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng gây hoại tử ống thận, xơ teo thận, trào ngược bàng quang, bể thận mãn…

Hẹp bao quy đầu

Hẹp bao quy đầu chia ra làm 2 loại

- Hẹp bao quy đầu sinh lý: là hiện tượng rất dễ gặp ở các bé trai khi chào đời. Đây là biểu hiện sinh lý không đáng ngại, vì thế bạn không cần lo lắng. Khi bé lớn lên, lớp da này sẽ tự rộng ra và không bó hẹp nữa.

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Nếu khi con lớn lên đến 3 tuổi mà phần bao quy đầu ở bộ phận sinh dục bé không giãn rộng ra được, thì mẹ cần phát hiện sớm và đưa con đi cắt bao quy đầu.

Những dấu hiệu giúp mẹ nhận biết về bệnh của bé như: bé khó đi tiểu, nước tiểu làm phồng bao quy đầu, sưng tấy, tiểu đau rát, có mủ…

Bìu to bất thường

Ở một số bé trai khi sinh ra, bộ phận sinh dục của bé xuất hiện tình trạng bìu to hơn so với bình thường. Hiện tượng này sẽ không đáng ngại nếu con vẫn sinh hoạt bình thường, và bác sĩ phụ sản không có thông báo về sự bất thường.

Tuy nhiên, nếu tình trạng này không mất đi mà sau vài tuần tuổi, mà gây ra các khó khăn cho bé khi đi tiểu, khiến con quấy khóc hoặc có biểu hiện bất thường khác thì mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để khám để đảm bảo sức khỏe cho bé.

BS Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nam khoa của bệnh viện khuyến cáo việc khám bộ phận sinh dục cho trẻ cần được tiến hành 6 tháng một lần, bác sĩ có thể kiểm tra mức độ bị nhiễm khuẩn dưới bao quy đầu. Trong một số trường hợp viêm nhiễm nặng, có thể sẽ tiến hành cắt bao quy đầu, tuy nhiên ưu tiên hàng đầu là tiến hành bóc tách và nong để tránh các chấn thương tâm lý và biến chứng nhiễm trùng cho trẻ.

Đặc biệt, bao quy đầu không nên bị kéo xuống với lực mạnh, có thể gây ra chảy máu hoặc tổn thương, thậm chí gây ra sẹo. Sẹo sẽ gây ra sự khó khăn khi kéo bao quy đầu xuống và khó giữ vệ sinh bên trong, cũng như có thể gây đau cho trẻ khi quan hệ ở tuổi trưởng thành.

Khi nào mới cần cắt bao quy đầu cho trẻ?

Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Bùi Thế Lữ - Bệnh viện Mỹ Phước (Bình Dương) cho biết nhiều trẻ bị hẹp bao quy đầu mẹ đừng vội đưa đi cắt. Nên ‘thuận theo tự nhiên’, để bé tự phát triển và chỉ can thiệp bằng phương pháp cắt sau khi đã áp dụng một số biện pháp nong bao quy đầu không hiệu quả.

TIN MỚI NHẤT