Chia sẻ với Phụ nữ & Gia đình, Bác sĩ Bùi Thế Lữ - Bệnh viện Mỹ Phước (Bình Dương) cho biết nhiều trẻ bị hẹp bao quy đầu mẹ đừng vội đưa đi cắt. Nên ‘thuận theo tự nhiên’, để bé tự phát triển và chỉ can thiệp bằng phương pháp cắt sau khi đã áp dụng một số biện pháp nong bao quy đầu không hiệu quả.
- Khi nào nên cắt amidan cho trẻ?
- Bác sĩ chuyên khoa tư vấn cách phòng chống bệnh viêm họng cho trẻ khi trời lạnh
Chào bác sĩ! Con trai tôi bị hẹp bao quy đầu cần phải làm gì? Khi nào mới cắt bao quy đầu cho bé? Vệ sinh bộ phận sinh dục bé hẹp bao quy đầu cần thực hiện như thế nào mới đúng?
(thuthuy…@gmail.com)
Trả lời:
Khi nào nên cắt bao quy đầu cho trẻ?
Chào chị! Bao quy đầu là một lớp da mỏng phía đầu dương vật gồm 2 lớp: Lớp da bên ngoài và lớp niêm mạc bên trong. Bộ phận này có chức năng bảo vệ dương vật khỏi những tác động từ bên ngoài như: Va đập, chấn thương hay sự xâm nhập của vi sinh vật.
Trẻ sơ sinh đến dưới 1 tuổi, bao quy đầu chưa tách khỏi phần đầu dương vật (quy đầu) nên bao quy đầu che hết đầu dương vật, không thể tự lộn được. Đây là hiện tượng sinh lý tự nhiên, được xem là bình thường. Trẻ lớn dần bộ phận này cũng sẽ tuột ra.
Trẻ sau 1 tuổi nếu gặp tình trạng bao da bó chặt dương vật, không thể lộn hoàn toàn ra được, bé đã bị hẹp bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu ở độ tuổi này là tình trạng bệnh lý vì có sẹo xơ hình thành do viêm nhiễm hoặc can thiệp nong bao quy đầu quá mạnh. Trẻ từ 1 – 6 tuổi sẽ được can thiệp bằng cách nong bao quy đầu tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế. Cha mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho trẻ trong độ tuổi này theo các bước :
- Khi tắm cho trẻ, sử dụng gạc tẩm vaseline thấm lên vùng bao quy đầu cho mềm.
- Dùng tay tuột bao quy đầu (kéo căng da quy đầu) lên phía trên đến vùng hãm rồi vệ sinh sạch sẽ cho trẻ bằng xà phòng dịu nhẹ. Thao tác này giúp nong từ từ vùng bao quy đầu để chúng dần tuột ra một cách tự nhiên. "Thuận theo tự nhiên" luôn là cách làm ưu tiên khi chăm sóc các bé bị hẹp bao quy đầu.
- Cha mẹ lưu ý thực hiện nhẹ tay, nong vừa phải để không làm bé đau rát. Phương pháp này đòi hỏi cha mẹ kiên trì, phối hợp nhịp nhàng với bé để bé hợp tác một cách dễ dàng.
Nếu nong bao quy đầu bằng tay và công cụ hỗ trợ cho bé không hiệu quả, tình trạng viêm nhiễm tiếp tục lặp đi lặp lại, bác sĩ sẽ can thiệp ngoại khoa bằng phương pháp cắt bao quy đầu.
Bác sĩ Bùi Thế Lữ
(Bệnh viện Mỹ Phước - Bình Dương)