Nắm rõ được các nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn sẽ giúp cho bố mẹ có giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng này ở trẻ, giúp con phát triển toàn diện hơn.
- Có nên cho trẻ uống sữa vào buổi tối trước khi ngủ không?
- Vì sao trẻ ăn nhiều nhưng vẫn chậm tăng cân?
Dưới đây là những nguyên nhân điển hình khiến trẻ biếng ăn:
Do thói quen xấu bố mẹ tạo ra
Các thói quen xấu do bố mẹ vô tình tạo ra cho trẻ cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ. Điển hình như: bố mẹ cho trẻ ăn thời gian kéo dài quá dài, ăn uống không cố định thời gian, chiều chuộng trẻ để cho trẻ ngậm thức ăn lâu hoặc nuốt mà không nhai,…Tất cả những điều này có thể khiến trẻ chỉ muốn ăn thức ăn dạng lỏng, sợ nuốt và không thích ăn các loại thức ăn có dạng thô hơn cần phải nhai như: cơm, thịt, cá, rau củ,… từ đó dẫn đến tình trạng biếng ăn ở trẻ.
Thức ăn không hợp khẩu vị
Thức ăn không hợp khẩu vị có thể khiến trẻ không muốn ăn, về lâu dài dẫn đến biếng ăn. Để biết khẩu vị của trẻ, bố mẹ cần cho trẻ ăn đa dạng các loại thức ăn, thay đổi khẩu vị cho trẻ, chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ chất dinh dưỡng. Bạn cần phải quan sát xem khẩu phần ăn có phù hợp với khẩu vị của trẻ hay không?
Tuy nhiên cũng không nên cho trẻ chỉ ăn những thức ăn mà mình yêu thích, mà cần phải xen kẽ thức ăn mới vào khẩu phần ăn, điều này vừa để đảm bảo dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ và cũng để phát hiện thêm những thức ăn khác mà trẻ thích.
Do các bệnh lý
Khi trẻ không khỏe thường sẽ rất biếng ăn. Khi mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, có thể làm trẻ gặp khó khăn trong ăn uống: khó nuốt, nuốt đau, ho, nôn,… Trẻ bị rối loạn chức năng tiêu hóa như loạn khuẩn đường ruột hoặc thiếu men tiêu hóa nên đầy bụng, khó tiêu, hấp thu thức ăn kém nên không có cảm giác muốn ăn, dẫn tới biếng ăn, chậm lớn.
Trong trường hợp này, bố mẹ cần phối hợp với bác sĩ để chẩn đoán và điều trị kịp thời cho trẻ. Mặt khác, cần bổ sung nguồn dinh dưỡng đặc biệt dành riêng cho bé bởi khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn.
Do thói quen ăn vặt
Không ít bố mẹ có quan niệm rằng, cho trẻ ăn vặt sẽ giúp con bù lại lượng dinh dưỡng chưa cung cấp đủ trong các bữa ăn chính. Điều này hoàn toàn sai lầm, nó không chỉ khiến trẻ thêm biếng ăn mà còn gây hại đến sức khỏe của trẻ.
Các đồ ăn vặt như: Snack, xúc xích, khoai tây chiến, bánh kẹo,… vừa chứa rất nhiều chất phụ gia lại thiếu chất dinh dưỡng gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, khi cho trẻ ănvặt quá nhiều có thể khiến đến bữa trẻ không muốn ăn cơm và thức ăn nữa. Lâu dần trở thành thói quen khiến trẻ trở nên vô cùng biếng ăn, chậm tăng cân và ngừng phát triển chiều cao.
Không khí bữa ăn căng thẳng
Có rất nhiều phụ huynh thường không đủ kiên nhẫn cho trẻ ăn nên đôi khi thường quát tháo mỗi lúc trẻ không muốn ăn hay ăn chậm. Điều này có thể khiến trẻ sợ hãi, sinh ra biếng ăn. Trẻ con không giống như người lớn, cảm giác đói ở trẻ thường không rõ ràng. Vì thế, bạn không nên thúc ép trẻ ăn khi trẻ chưa thực sự đói. Ngoài ra, thay vì cho trẻ ăn một mình bạn nên cho trẻ ăn cùng với gia đình, điều này có thể giúp con ăn ngon miệng hơn.