4 sai lầm khi cho trẻ ăn bổ sung mà nhiều mẹ mắc phải khiến con chậm lớn, suy dinh dưỡng

Chăm sóc con 28/12/2022 06:00

Nhiều mẹ gặp phải sai lầm khi cho con ăn bổ sung khiến con chậm lớn, thiếu vi chất dù bữa ăn được mẹ chuẩn bị rất cầu kỳ.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có 4 sai lầm hay gặp khi cho trẻ ăn bổ sung mà nhiều mẹ mắc phải gồm:

1. Sử dụng thực phẩm giàu đạm không đúng

Sai lầm chủ yếu của các mẹ là cho trẻ ăn dưới dạng nước thịt (chỉ cho ăn nước, không dùng cái, sợ trẻ hóc), nước xương hầm… Không biết sử dụng nguồn chất đạm dồi dào khác ngoài thịt, cá như ăn trứng sợ trẻ đầy bụng, tôm, cua sợ trẻ ho và ỉa chảy. Không biết dùng các loại đậu đỗ, lạc, vừng là nguồn đạm thực vật, tuy giá rẻ nhưng cũng rất tốt.

2. Ít sử dụng dầu, mỡ trong bữa ăn của trẻ

Nhiều mẹ cho rằng dầu, mỡ khó tiêu hóa, gây ỉa chảy nên ít cho trẻ sử dụng. Điều này hoàn toàn là sai lầm.

Dầu, mỡ là thực phẩm rất giàu năng lượng so với các loại thực phẩm khác. Chất béo (dầu, mỡ) là dung môi cho các vitamin tan trong dầu: vitamin A, D, E, K. Nó có tác dụng hóa lỏng thức ăn và tăng đậm độ năng lượng trong thức ăn cho trẻ.

Vì vậy, trong bữa ăn hàng ngày của trẻ nếu thiếu dầu hoặc mỡ thì các vitamin tan trong dầu có trong thức ăn sẽ không được hấp thu. Đồng thời thức ăn của trẻ đậm đặc khó nuốt và năng lượng trong khẩu phần ăn của trẻ hàng ngày sẽ không đủ so với nhu cầu làm trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng.

4 sai lầm khi cho trẻ ăn bổ sung mà nhiều mẹ mắc phải khiến con chậm lớn, suy dinh dưỡng - Ảnh 1

Khẩu phần ăn của trẻ ít dầu, mỡ sẽ khiến trẻ chậm lớn, suy dinh dưỡng. Ảnh minh họa

Do đó, trong khẩu phần ăn của trẻ tỉ lệ cân đối giữa chất béo động vật và chất béo thực vật là 70% và 30%. Trong bữa ăn bổ sung của trẻ không thể thiếu chất đạm, chất đạm có chất béo động vật. Nhưng chất béo cũng không cung cấp đủ so với nhu cầu của trẻ. Vì thế cần phải cho thêm dầu hoặc mỡ vào khẩu phần ăn của trẻ theo tỉ lệ một bữa dầu, một bữa mỡ.

3. Không cho trẻ ăn các loại rau xanh

Thường các bà mẹ chỉ dùng nước rau luộc, ngay cả các loại củ như khoai tây, cà rốt cũng chỉ lấy nước ninh để quấy bột cho trẻ. Một số bà mẹ quan niệm sai lầm cho rằng trẻ không ăn được rau và ăn rau dễ rối loạn tiêu hóa.

Rau, củ, quả là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng rất phong phú. Đây là loại thức ăn rất tốt đối với trẻ. Các loại rau có lá màu xanh đậm như: rau ngót,  rau muống, rau dền, mồng tơi, rau cải... đều chứa nhiều vitamin C và các vi chất như tiền vitamin A và sắt giúp trẻ phòng chống khô mắt và thiếu máu.

Bên cạnh đó, cũng nên cho trẻ ăn thêm các loại quả chín như: chuối, hồng, đu đủ, cam, chanh, bưởi, xoài để cung cấp vitamin và chất khoáng cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Các mẹ có thể xay nhỏ rau, củ, quả để trẻ dễ ăn hơn, giúp cung cấp vitamin, chất xơ làm giảm táo bón cho trẻ.

4. Cho trẻ ăn cơm quá sớm khi chưa có răng

Các bà mẹ cho rằng ăn cơm sớm trẻ sẽ cứng cáp, nhanh biết đi. Thực tế nếu cho trẻ ăn cơm quá sớm, trẻ chỉ nuốt chửng với nước rau luộc hoặc nước canh vì vậy bộ máy tiêu hóa phải làm việc quá sức.

Hơn nữa, khi ăn cơm thường là ăn chung với gia đình, trẻ ít được quan tâm, ưu tiên thức ăn nên bữa ăn của trẻ không được đảm bảo về số lượng cũng như chất lượng.

Vì vậy, mẹ cần xây dựng cho trẻ chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp với độ tuổi của trẻ.

5 bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông, cha mẹ cần làm gì để phòng tránh cho con?

Có 5 loại bệnh trẻ dễ mắc vào mùa đông, cha mẹ cần cần đặc biệt lưu ý và theo dõi sức khỏe của con để sớm phát hiện dấu hiệu bệnh, điều trị và tránh biến chứng nặng.

TIN MỚI NHẤT