Thay vì hỏi "Hôm nay con được mấy điểm?", "Ở trường thế nào?", phụ huynh hãy thay đổi 1 chút sẽ mang lại sự hào hứng cho trẻ. Hơn thế nữa, mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái cũng được cải thiện đáng kể.
- Ông bố hào hứng dắt tay con đi chơi, nhưng nhìn vào đứa trẻ ai cũng lắc đầu phản đối
- Con nằm giãy giụa khóc lóc ăn vạ, ông bố trẻ có màn xử lý "thuyết phục nhất hệ mặt trời"
Rất nhiều bậc phụ huynh khi đón con tan học, câu cửa miệng luôn là: "Hôm nay con học thế nào?", "Ở lớp có kiểm tra không?", "Con được mấy điểm", "Con có nghe lời cô giáo không?"...
Có thể bởi phụ huynh quan tâm chuyện con ngoan/hư, con giỏi/dốt; cũng có thể vì họ chỉ hỏi vui vẻ, nhưng dù vô tình hay cố ý thì cũng không được đánh giá cao.
Những câu hỏi kiểu này chỉ khiến nhiều đứa trẻ có lực học không tốt cảm thấy bối rối. Thậm chí, ngay cả những bé có thành tích cao cũng không mấy hào hứng. Lâu dần, những cuộc hội thoại giữa cha mẹ - con cái sẽ trở nên buồn chán, đi vào ngõ cụt, và trẻ không mấy cởi mở với cha mẹ về những chuyện con gặp phải ở trường.
Phụ huynh thông thái là người chỉ cần dành ít phút mỗi ngày nói chuyện với con sau khi tan học cũng có thể nắm được mọi vấn đề. Và đơn giản, họ chỉ cần sử dụng 4 câu hỏi này:
Câu hỏi 1: "Con có điều gì vui ở trường học không?"
Câu hỏi này nhằm "điều tra" các cảm xúc của con ở trường học, hiểu được đứa trẻ có cảm thấy hạnh phúc trong môi trường giáo dục ấy không, nếu không thì vì lý do gì? Từ đó, cha mẹ sẽ có cách để tháo gỡ giúp trẻ.
Đặc biệt, đối với trẻ em, tiêu chuẩn tốt và xấu, đúng và sai, thiện và ác có thể liên tục thay đổi. Bằng cách đặt câu hỏi này, bạn có thể đưa ra lời khuyên cho con đúng lúc và giúp chúng thiết lập các giá trị nhân sinh quan phù hợp.
Câu hỏi 2: "Con đã làm được điều gì đáng tự hào ở trường?"
Đừng hỏi con về điểm số, hãy hướng con tới những giá trị tích cực đáng tự hào khác. Đâu nhất thiết phải đạt điểm 10 trong bài kiểm tra môn Toán, điểm 9 môn làm Văn, trẻ hoàn toàn có quyền tự hào vì trả lời được 1 câu hỏi cả lớp đều không biết, giơ tay nhiều lần trong lớp, giúp đỡ bạn khi bị ngã, chia sẻ đồ ăn với bạn...
Câu hỏi này mang tính khái quát hơn để hỏi về thành tích của con ở trường mà không khiến trẻ cảm thấy bức bối. Ngược lại, điều này có thể thúc đẩy trẻ tăng sự tự tin, có xu hướng làm mọi việc tích cực hơn, thân thiện hơn và có nhiều khả năng kích thích tiềm năng và động lực.
Câu hỏi 3: "Kể cho mẹ một điều gì mới con học được hôm nay nào?"
Bằng cách này, cha mẹ đang gợi ý trẻ nhắc lại những gì trẻ đã được học. Không chỉ giúp trẻ ghi nhớ thêm những kiến thức trên trường, còn cho phép trẻ dễ dàng nói những gì chúng đã thấy và nghe ngoài sách vở.
Ngay cả khi trẻ không hài lòng về những điều mình học được, cha mẹ có thể an ủi một chút và nói với trẻ rằng vẫn còn nhiều điều tốt đẹp khác xảy ra trong suốt cả ngày. Vui vẻ hay buồn rầu, tích cực hay tiêu cực cũng là một phần của cuộc sống. Chúng ta chỉ có thể hạnh phúc nếu chúng ta chấp nhận những điều không hoàn hảo của cuộc sống và chú ý đến những gì chúng ta xứng đáng. Bằng cách này, trẻ em luôn mang những điều tốt đẹp đến trường và tự nhiên thích đi học.
Câu hỏi 4: "Con có cần bố/mẹ giúp đỡ gì không?"
Câu hỏi này có vẻ đơn giản, nhưng nó thực sự có ý nghĩa. Trẻ sẽ hiểu được rằng cha mẹ luôn dành sự quan tâm và lo lắng cho mình rất nhiều. Cha mẹ nên chú ý, những câu hỏi thường dành cho con thực sự phản ánh thái độ của người lớn, quyết định cách nhìn của trẻ về cuộc sống và sẽ hướng trẻ theo hướng tích cực hay tiêu cực.
Theo các chuyên gia, khoảng thời gian từ trường về nhà là giai đoạn trẻ rất hưng phấn. Cha mẹ nên tận dụng tốt để kích hoạt tư duy của trẻ thông qua những câu hỏi gợi mở. Không chỉ thế, đó cũng là cách giúp cha mẹ, con cái hiểu và gần gũi nhau hơn.