Theo chuyên gia pháp lý, hành vi của ông bố treo con lên trần nhà đánh đập ở Hà Tĩnh có dấu hiệu của Tội hành hạ con hoặc tội Cố ý gây thương tích.
- Vụ bé gái bị bố trói tay, treo lên trần nhà đánh đập: con nhiều lần phải đi ‘lánh nạn’, không biết là lần đánh thứ bao nhiêu
- Vụ 'bé gái bị bố treo lên trần nhà đánh đập dã man': Hàng xóm kể về những lần nghe tiếng la hét của gã đàn ông
Liên quan vụ bé gái tại huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh bị cởi đồ, trói tay treo lên trần nhà đánh đập, người bố đã đến trình diện ngành chức năng địa phương sau gần 1 ngày rời khỏi nhà.
Trước đó, mạng xã hội dậy sóng khi chứng kiến đoạn video clip dài hơn 4 phút ghi lại cảnh bé gái bị cởi bỏ hết quần áo, hai tay bị trói bằng dây treo lơ lửng lên trần nhà. Cạnh bên, một người đàn ông tay cầm roi đánh tới tấp xuống người cháu gái.
Sự việc ngay lập tức gây lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận địa phương cũng như cộng đồng mạng.
Ngay khi phát hiện sự việc xảy ra, chính quyền địa phương đã vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân. Người đàn ông trong clip là N.V.T. (SN 1988, trú thôn Nam Mới, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân).
Trao đổi với Gia đình Việt Nam, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng hành vi của người đàn ông trong clip là rất tàn nhẫn, phản giáo dục và có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền trẻ em.
Do đó, việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý là cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật. Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định để bảo vệ quyền trẻ em trong đó có quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể.
Bởi vậy hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em vì bất cứ lý do gì thì cũng đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển. Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh. Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Mọi hành vi đánh đập, hành hạ, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, thân thể của trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật. Bất kỳ ai cũng không được phép và không vì bất cứ lý do gì để xâm phạm đến thân thể của trẻ em, kể cả đó là cha mẹ, thầy cô giáo hoặc những người khác...
Hành vi lột quần áo của cháu bé rồi treo lên đánh đập như vậy là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi của người đàn ông này là rất tàn nhẫn và không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. Bởi vậy, trường hợp cháu bé có thương tích thì người cha sẽ bị khởi tố hình sự về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp cháu bé không có thương tích nhưng hành vi là đối xử tàn nhẫn với con, xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự nhân phẩm của cháu bé này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe của cháu bé thì cơ quan điều tra vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự về tội hành hạ con theo quy định tại điều 185 Bộ luật Hình sự.
Theo quy định của pháp luật thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái. Pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng bạo lực để giáo dục vì bất cứ lý do gì. Bởi vậy cách giáo dục của người đàn ông này tàn nhẫn không khác gì thời trung cổ, hành vi này hoàn toàn có thể xâm phạm đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của cháu bé, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tinh thần của cháu.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với người đàn ông này để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Hành vi đối xử tồi tệ, xâm phạm thân thể của con làm cho cháu bé bị đau đớn về thể xác và tinh thần có thể bị xử phạt từ 2 năm đến 5 năm theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng làm rõ động cơ mục đích ghi clip về cảnh cháu bé bị bảo hành nhằm mục đích gì, trong trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi này nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của cháu thì người vi phạm còn có thể bị xử lý về hành vi là một người khác theo quy định tại điều 155 Bộ luật Hình sự.
Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam nhận định, đây là sự việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng do nhận thức, ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em.
Ngoài việc xử lý nghiêm minh đối với hành vi này thì cơ quan chức năng cũng cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục về Quyền trẻ em để nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng quyền trẻ em.
Đối với trẻ em sống trong gia đình thiếu cha, thiếu mẹ, gia đình không hạnh phúc, Cha mẹ sống trong cảnh khó khăn, thiếu thốn, cùng quẫn thì cần phải có sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại, tránh vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Để giảm thiểu những vụ việc bạo hành trẻ em như vậy thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là giáo dục pháp luật về Quyền trẻ em, quyền con người cần được đề cao và thực hiện tốt hơn nữa.
Đối với những trẻ em sinh sống trong hoàn cảnh đặc biệt thì cần có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, của cơ quan đoàn thể. Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có chức năng nhiệm vụ bé trẻ bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, can thiệp, hỗ trợ để bảo vệ trẻ em trong các vụ việc bị bạo hành, xâm hại để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.