Bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) khai không nói rõ số điểm cần nâng mà chỉ yêu cầu để con đỗ vào trường công an. Bị cáo này đã bỏ ra số tiền 440 triệu đồng để chạy điểm cho con.
- Vụ gian lận điểm thi Hoà Bình: Công bố bất ngờ, nâng điểm thi từ năm 2017
- Đề nghị án cao nhất 9 năm tù trong vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang
Chiều 23/5, tòa án nhân dân tỉnh Sơn La tiếp tục phiên xét xử vụ án gian lận điểm thi kỳ thi THPT Quốc gia 2018.
Trong phiên xét hỏi chiều 23/5, bị cáo Hoàng Thị Thành cho biết sau khi suy nghĩ rất nhiều cho con về kỳ thi THPT 2018 đã trao đổi với Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) vì từng là bạn học. Bà Thành nhờ nâng điểm cho con trai đỗ đại học, vì đã một năm thi trượt.
"Tôi không nói cụ thể là phải nâng bao nhiêu điểm mà chỉ bảo chị Sọn áng chừng để con vào bằng được trường công an.
Sau khi con được nâng 13,65 điểm ba môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử tôi đã cảm ơn bà Sọn 400 triệu đồng", bị cáo Thành nói.
Cựu Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai nói thêm cả bà và bị cáo Sọn không có thoả thuận về số tiền. Tuy nhiên không biết cảm ơn bao nhiêu cho đủ nên bà tự sắp xếp con số 400 triệu đồng.
Trước bục khai báo, bị cáo Sọn thừa nhận được bà Thành cảm ơn 400 triệu đồng sau khi nâng điểm thành công cho con trai bà Thành. Sọn khai bà không mặc cả hay đòi hỏi gì mà bà Thành tự nguyện.
"Không phải tôi đòi 400 triệu đồng mới giúp như thông tin trước đó. Dù bà Thành đưa 100, 200 triệu đồng, tôi vẫn giúp vì nể nang", bà Sọn nói.
Bà Sọn sau đó còn nhận 40 triệu đồng để nâng thêm điểm môn Ngữ văn tự luận cho con trai bà Thành. Toàn bộ 440 triệu đồng nhận hối lộ, bà Sọn đã nộp cơ quan điều tra.
Theo cáo trạng, bà Sọn bị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ, bà Thành bị truy tố tội Đưa hối lộ.
“
Cáo trạng xác định trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, các bị cáo nêu trên vì động cơ vụ lợi đã cùng nhau tác động vào bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh.
8 bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Cụ thể là Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT), Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng khảo thí), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng chính trị tư tưởng), Nguyễn Thanh Nhàn (cựu phó trưởng phòng khảo thí), Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí).
Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu), Đỗ Khắc Hưng (cựu trung tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La) và Đinh Hải Sơn (cựu thiếu tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La) cũng bị truy tố về tội này.
Bốn bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ gồm: Hoàng Thị Thành (cựu cán bộ Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai), Trần Văn Điện (cựu giáo viên), Lò Thị Trường (lao động tự do) và Nguyễn Minh Khoa (cựu thượng tá, cán bộ Công an tỉnh Sơn La).
Đặc biệt, sau hơn nửa năm trả hồ sơ, tại lần xét xử này, cơ quan tố tụng tỉnh Sơn La đã làm rõ được câu hỏi lớn nhất mà dư luận từng hoài nghi trong vụ án, đó là có việc đưa và nhận hối lộ.
Theo VKSND tỉnh Sơn La, Nga nhận lời nâng điểm cho bốn thí sinh do Điện gửi gắm. Hai bên thương lượng mỗi trường hợp sẽ có mức giá 230-350 triệu đồng. Thực tế, Điện đã đưa cho Nga 1,04 tỉ đồng.
Ngoài ra, Sọn cầm của Thành 400 triệu đồng để sửa bài thi cho một thí sinh. Trong khi đó, Huynh giúp con trai của Trường nâng điểm và được "cảm ơn" bằng 300 triệu đồng.
Đặc biệt, cơ quan công tố còn cáo buộc Huynh nhận lời nâng điểm cho hai thí sinh do Nguyễn Minh Khoa cung cấp để đậu vào các trường công an nhân dân. Cả hai thống nhất mỗi trường hợp sẽ có giá 700 triệu đồng, Khoa đưa trước cho Huynh 1 tỉ đồng.
”