Vụ rơi thanh sắt khiến cô gái tử vong: Người chịu trách nhiệm đối mặt với mức án nào?

Xã hội 30/09/2018 06:38

Để rơi thanh sắt từ công trình xây dựng ở đường Lê Văn Lương (Hà Nội) khiến 2 người thương vong, theo các chuyên gia pháp lý, những người chịu trách nhiệm có thể phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân, TP Hà Nội chiều 28-9 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", để điều tra làm rõ vụ thanh sắt rơi tại công trình xây dựng trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) khiến 2 người thương vong vào tối ngày 27-9.

Vụ rơi thanh sắt khiến cô gái tử vong: Người chịu trách nhiệm đối mặt với mức án nào? - Ảnh 1

Cơ quan chức năng đang khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định, trước đó, ngày 27-9, một số công nhân được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5, 6, 7 của tòa nhà nêu trên. Trong quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) từ tầng 16 để di chuyển phía ngoài tòa nhà. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương, va vào đầu chị Dương Thị Hằng (SN 1987, quê Bắc Ninh) đang điều khiển xe máy, khiến chị tử vong tại chỗ. Cần trục này còn rơi trúng ông Nguyễn Hùng Cường (SN 1956, ngụ Hà Nội) làm ông bị xây xát, phải nhập viện cấp cứu.

Dưới góc độ về luật, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Đoàn luật sư Hà Nội), cho rằng việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Thanh Xuân quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người" trong trường hợp này là hành động cần thiết và đúng pháp luật. Bởi rõ ràng, hành vi khách quan trong sự việc nêu trên đã xâm phạm nghiêm trọng đến quan hệ pháp luật được luật hình sự bảo vệ là sự an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân ở nơi đông người. Tội phạm và hình phạt đối với người phạm tội nêu trên được Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định cụ thể tại Điều 295, cụ thể, người thực hiện hành vi phạm tội sẽ phải đối mặt với hình phạt nhẹ nhất có thể là hình phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Hình phạt nặng nhất đối với tội này là hình phạt tù từ 6 đến 12 năm trong trường hợp làm chết 3 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỉ đồng trở lên. Ngoài ra, những người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt tiền với mức phạt từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Bên cạnh việc bị áp dụng chế tài xử phạt theo quy định của Bộ Luật Hình sự tương ứng với hành vi vi phạm nêu trên, người phạm tội này vẫn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và các thiệt hại khác phát sinh đối với những người bị hại hoặc bồi thường tổn thất về mặt tinh thần cho những người thân của người bị hại đã chết.

Mức bồi thường thiệt hại được xác định cụ thể dựa trên mức thiệt hại thực tế trong việc khám, điều trị, tỉ lệ tổn thương cơ thể và các chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại về sức khỏe, tài sản đối với người còn sống và tổn thất về mặt tinh thần tương đương khoảng 100 tháng lương tối thiểu cộng với tiền mai táng phí và các chi phí hợp lý khác để tổ chức tang lễ đối với người bị chết do hành vi phạm tội gây ra.

Ngoài ra, nếu người bị chết đang nuôi con nhỏ dưới 18 tuổi hoặc đang có nghĩa vụ cấp dưỡng cho những người không có khả năng lao động (theo quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền) thì người phạm tội và những người có trách nhiệm liên đới bồi thường còn phải tiếp tục phải có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với những người con dưới 18 tuổi đến khi đủ 18 tuổi hoặc cấp dưỡng cho những người không có khả năng lao động mà người chết có trách nhiệm cấp dưỡng đến lúc những người này chết hoặc đến lúc có quyết định thay đổi quyết định cấp dưỡng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Mức bồi thường cụ thể sẽ do các bên tự thỏa thuận, trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết trên cơ sở các quy định pháp luật liên quan đến bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong Bộ Luật Dân sự để giải quyết.

Thanh sắt rơi: Mẹ tử vong ngoài đường, con gái nhỏ bơ vơ

"Con gái vào lớp 1 nên Hằng đưa lên Hà Nội để tiện chăm sóc. Vậy mà mẹ con mới ở với nhau được mấy tháng đã âm dương cách biệt..." - người thân nghẹn ngào.

TIN MỚI NHẤT