Liên quan đến vụ học sinh iSchool Nha Trang ngộ độc thực phẩm khiến 1 em tử vong, dự kiến ngày 23/11 sẽ có kết quả xét nghiệm từ phía Viện Pasteur Nha Trang để tìm nguyên nhân vụ việc.
- Nghẹt thở giải cứu nạn nhân bị đứt tay, chân trong vụ xe khách lật ngang ở Bình Thuận
- Kẻ nổ súng bắn người nhà vợ cũ ở Bắc Giang đã bị bắt giữ
Theo thông tin từ báo VTC News vào chiều 20/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có thông cáo báo chí về vụ việc ngộ độc tập thể xảy ra vào ngày 17/11 tại Trường iSchool Nha Trang (Khánh Hòa).
Đến 11h ngày 20/11, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 600 ca ngộ độc thực phẩm liên quan đến bữa ăn trưa của trường. Trong đó, 21 trường hợp nặng và 1 trường hợp đã tử vong.
“Đoàn điều tra đã lập biên bản lấy mẫu và niêm phong toàn bộ mẫu thức ăn được lưu tại cơ sở đối với thực đơn bữa ăn trưa, bữa ăn xế ngày 17/11 gửi về Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm tìm nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.
Hiện đang chờ Viện Pasteur Nha Trang nuôi cấy và phân lập định danh vi khuẩn, xác định nguyên nhân độc tố. Dự kiến đến thứ Tư, ngày 23/11 mới có kết quả từ phía Viện Pasteur Nha Trang” – thông cáo nêu rõ.
Trường hợp tử vong trong vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là em L.Z.X (sinh năm 2016, trú xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) đang học lớp 1 tại iSchool. Em X. được đưa tới Bệnh viện 22-12 lúc 1h32 ngày 18/11 trong tình trạng nôn ói nhiều, mệt, đau bụng. Chẩn đoán ban đầu là viêm dạ dày ruột cấp, hạ K máu.
Đến chiều tối 19/11, bệnh nhân mệt, lơ mơ, co giật, tím, ngưng tim. Sau khi được hồi sức có tim, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Chẩn đoán lúc này là sốc nhiễm trùng/ ngộ độc thực phẩm
Sau thời gian điều trị thấy càng nặng, 8h30 ngày 20/11, em X được chuyển tuyến Nhi đồng 2 TP.HCM trong tình trạng lúc chuyển sốt li bì, sốt 39 độ, huyết áp 80/60mmHg, nhịp tim 180l/p, phụ thuộc vận mạch, thở máy ống nội khí quản. Em X. tử vong trên đường đi.
UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND TP. Nha Trang tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình nạn nhân 21 triệu đồng; Ban Giám hiệu Nhà trường đã chủ động đến nhà học sinh, an ủi, động viên phụ huynh và giúp đỡ gia đình lo các thủ tục tang lễ cho cháu.
Về xử lý vấn đề an toàn thực phẩm tại bếp ăn nhà trường, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế Khánh Hòa đã tổ chức Đoàn điều tra ngộ độc thực phẩm kết hợp với địa phương, Ban Giám hiệu trường học kiểm tra thực tế việc chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể tại Trường iSchool Nha Trang, do hộ kinh doanh Bùi Phúc Lam (trú phường Xương Huân, TP Nha Trang) ký hợp đồng với nhà trường.
Kết quả kiểm tra cho thấy, cơ sở chấp hành các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm.
Thông tin ban đầu, vào ngày 17/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 880 học sinh gồm các món ăn: Cơm gà xốt trứng, gỏi gà (gà xé, cà rốt, bắp sú, rau răm), cánh gà chiên, canh (xương, cà rốt, cải thảo), dưa leo.
Bữa ăn xế lúc 13h30 (bánh ngọt Paparoti); uống nước tại hệ thống lọc nước của trường.
Khoảng 17h cùng ngày, một số em xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy nhiều lần, đến khoảng 22h xuất hiện thêm triệu chứng sốt, buồn nôn, nôn và các em được người nhà đưa đi nhập viện tại các Bệnh viện trong thành phố.
Chiều 20/11, Trường iSchool Nha Trang tổ chức buổi họp phụ huynh sau khi ghi nhận 1 trường hợp tử vong trong số hơn 400 học sinh trường này đã, đang phải điều trị tại các bệnh viện, nghi bị ngộ độc thực phẩm. Trước các phụ huynh có con em đang học tập tại trường, ông Phạm Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường iSchool Nha Trang cùng Ban giám hiệu xin nhận trách nhiệm cao nhất, gửi lời xin lỗi phụ huynh và ngành Giáo dục.
Theo thông tin từ báo Tiền Phong cho biết thêm, công ty iSchool và Ban Giám hiệu Trường iSchool Nha Trang cho biết thêm, có hợp đồng với nhà cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh từ năm học 2015 với các điều khoản ràng buộc như nhà cung cấp suất ăn bán trú cam kết sử dụng các loại thực phẩm đảm bảo hợp vệ sinh và chấp hành tốt thực hiện việc an toàn vệ sinh thực phẩm; Không sử dụng các loại hàng hóa cấm sử dụng, hàng hóa không ghi rõ nguồn gốc nhà sản xuất, hoặc hàng hóa đã hết hạn sử dụng; Lên thực đơn của mỗi bữa ăn; Thực hiện tốt việc khám sức khỏe định kỳ; Giữ vệ sinh khu vực căn tin và trong trường học. Phía nhà trường theo dõi việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức lưu mẫu thức ăn cho từng bữa ăn. Hiện tại, kết quả kiểm nghiệm mẫu vẫn đang chờ kết luận cơ quan chức năng.
“Chúng tôi cam kết minh bạch thông tin, phối hợp tích cực với các cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân, nỗ lực tối đa để giải quyết triệt để các vấn đề hiện tại và đảm bảo không xảy ra trường hợp tương tự trong tương lai”, thông cáo nêu.