Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết cơ quan chức năng cần làm rõ hành vi của "thầy bói" trong vụ việc bà nội sát hại bé gái 20 ngày tuổi là đồng phạm về tội giết người hay hành nghề mê tín dị đoan.
Tối 28/11, nguồn tin riêng từ cơ quan điều tra xác nhận thủ phạm sát hại cháu bé 20 ngày tuổi rồi cho xác vào bao tải phi tang chính là bà Phạm Thị Xuân (sinh năm 1952) - bà nội của cháu bé. Không có bắt cóc như thông tin ban đầu mà tất cả đều do bà Xuân dàn dựng lên và tự thuật lại. Bước đầu, bà ta khai tại cơ quan điều tra là do tin lời thầy bói nên đã gây ra vụ án thương tâm trên.
Ngày 29/11, trao đổi với chúng tôi, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định xét theo tình tiết của vụ án thì đây là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng và hành vi của hung thủ là quá dã man, phi nhân tính.
Luật sư Thơm cho biết: "Trẻ em là một trong những đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ. Mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống.
Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em. Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật".
Bà nội cháu bé sẽ phải đối diện nhiều mức án nghiêm trọng
Cũng theo luật sư Thơm, việc bà nội sát hại cháu bé chỉ mới 20 ngày tuổi rồi tự dàn dựng vụ bắt cóc là hành vi mất nhân tính và không thể biện minh được trước sự trừng phạt nghiêm khắc nhất của pháp luật.
"Cháu bé hơn 20 ngày tuổi là người không có lỗi gì mà lại phải gánh chịu hậu quả bị sát hại rất dã man như vậy. Điều đó càng thể hiện hành vi phạm tội của đối tượng rất tàn bạo, mất hết tính người.
Với việc sát hại dã man bé gái, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, thì đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về Tội giết người theo Khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 với tình tiết định khung cơ bản là "Giết trẻ em".
Hậu quả của vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, gây tang thương, mất mát cho gia đình cháu và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, khiến dư luận cả nước bất bình nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật", ông Thơm cho biết.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh nghi phạm bà nội đã thuê 2 đối tượng bằng lợi ích vật chất đế sát hại cháu bé thì các đối tượng còn phải chịu thêm tình tiết định khung theo điểm m khoản 1 Điều 93 BLHS là "Thuê giết người hoặc giết người thuê".
Thầy bói chịu trách nhiệm đồng phạm về tội Giết người
Điều 247 Bộ luật hình sự, cụ thể:1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
Đối với hành vi của đối tượng thầy bói cần thiết làm rõ có việc hành nghề mê tín dị đoan và xúi giục bà nội giết cháu bé hay không.
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói hành nghề mê tín dị đoan đã có hành vi xúi giục bà nội sát hại người cháu nội mới sinh ra thì đối tượng phải chịu trách nhiệm đồng phạm về tội "Giết người" với vai trò "Người xúi giục kích động, thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội".
Trường hợp, nếu có đủ căn cứ chứng minh đối tượng thầy bói trong quá trình hành nghề mê tín dị đoan chỉ nói chung chung với bà nội và không có hành vi cụ thể xúi giục sát hại cháu bé như chỉ nói: cháu bé sinh ra là nghiệp chướng, ảnh hưởng đến tính mạng của mình hay gia đình; sau đó, từ việc mê tín dị đoạn này mà bà nội đã sát hại cháu bé thì đối tượng thày bói sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Hành nghề mê tín dị đoan".
Điều 93. Tội giết người bộ luật hình sự năm 1999
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.