Việc đạt nắng nóng cực độ tại Việt Nam được TS Nguyễn Ngọc Huy đánh giá là "một kỷ lục đáng lo ngại trong xu hướng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu".
- Dự báo thời tiết dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
- Thông tin mới vụ máy bay trực thăng rơi ở Hạ Long: Không xác định dấu hiệu bất thường về thời tiết trước khi bay
Chiều 6/5, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã đưa ra thông tin cảnh báo nắng nóng đặc biệt gay gắt tại nhiều địa phương ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Vào trưa ngày 6/5, thời tiết ở nhiều khu vực Hà Nội đã vượt ngưỡng 40 độ C, tiết trời oi bức khó chịu với mức nhiệt tăng cao. Người dân đi ngoài đường bắt đầu cảm nhận rõ rệt sự khắc nghiệt của thời tiết trong đợt nắng nóng đỉnh điểm đầu tiên của năm 2023.
Đặc biệt, chiều cùng ngày, TS Nguyễn Ngọc Huy - Chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan cho biết ngày 6/5, ngày lập hạ nhưng kỷ lục nhiệt độ cao nhất Việt Nam được xác lập vào lúc 16 giờ cùng ngày là 44.1 độ C tại xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Kỷ lục này đã xô đổ kỷ lục trước đây là 43,4 độ C được đo tại Hương Khê, Hà Tĩnh ngày 25/4/2019.
"Đây thực sự là một kỷ lục đáng lo ngại trong xu hướng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Kỷ lục này sẽ được nhắc lại nhiều lần, tôi tin vậy. Nó xác nhận rằng các mô hình khí hậu cực đoan đang được thực tế chứng minh là đúng, và như vậy, những điều tồi tệ còn đang ở phía trước.
Chúng ta còn 7 năm nữa để thực hiện nhiệm vụ khó khăn là cắt giảm khí nhà kính để khống chế nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 1.5 độ C vào năm 2030 so với thời kỳ tiền công nghiệp. Với các diễn tiến gần đây trên thế giới, tôi cho rằng mục tiêu này là khó đạt được", TS Huy nhận định.
Nếu chúng ta nghiên cứu về kịch bản biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này sẽ thấy mức khủng hoảng sẽ như thế nào?! Đó là tương lai của một giai đoạn khủng hoảng khí hậu ở mức nghiêm trọng đối với thế hệ con cháu chúng ta. Nói là cuối thế kỷ nhưng nó thật gần, những người sinh ra ngày hôm nay sẽ là chủ nhân của thế giới trong giai đoạn đó", chuyên gia nghiên cứu biến đổi khí hậu nói thêm.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, trong tháng 5 này còn khoảng từ 2 đến 3 đợt nắng nóng, xảy ra diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, những tỉnh Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Nắng nóng bắt đầu từ tháng 5 cho đến nửa đầu tháng 8 ở Bắc Bộ, ở Trung Bộ từ tháng 5 đến hết tháng 8. Còn tại Nam Bộ nắng nóng kéo dài cho đến hết nửa đầu tháng 5. Thời gian nắng nóng cao điểm tập trung tháng 6 và tháng 7 ở Bắc Bộ; kéo dài sang đầu tháng 8 ở khu vực Trung Bộ.
Hiện nay, ở phía Bắc đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống nước ta. Dự báo, khoảng đêm 7/5, ngày 8/5, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3-4.