Nhiều bệnh nhân COVID-19 chuyển biến nặng, đặc biệt là diễn biến nguy kịch rất nhanh, nguyên nhân là do đâu?
- TP.HCM khẩn cấp tìm tài xế Grab bike từng chở bệnh nhân COVID-19
- Ngày 31/7: Thêm 4 bệnh nhân COVID-19 được công bố khỏi bệnh
Lý giải về việc có nhiều bệnh nhân COVID-19 giai đoạn này diễn biến nặng, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, phần lớn bệnh nhân nặng trong số này đều là người cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm.
Các chuyên gia y tế cũng cho biết, khi mắc COVID-19, nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến tăng nặng sẽ tập trung vào nhóm người cao tuổi (trên 60 tuổi), có bệnh lý nền (đái tháo đường, tăng huyết áp, suy thận mạn, lọc máu chu kỳ, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…) hoặc có cơ địa, thể trạng béo phì, suy kiệt…
Những đối tượng kể trên sẽ dễ dẫn đến nguy cơ tăng nặng khi nhiễm COVID-19. Bởi khi mắc COVID-19 sẽ suy giảm sức đề kháng, khiến lượng virus phát triển trong cơ thể nhanh hơn, tổn thương cơ quan nhanh hơn so với bệnh nhân khác.
Đặc biệt, sức đề kháng của nhóm người cao tuổi, mắc bệnh lý nền thường giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong.
Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Để hỗ trợ điều trị cho các ca bệnh COVID-19 nặng, chỉ trong 6 ngày, Hội đồng chuyên môn (Bộ Y tế) tổ chức 5 cuộc hội chẩn toàn quốc về ca bệnh nặng, bệnh nhân COVID-19.
Trước tình hình nhiều bệnh nhân COVID-19 nặng như hiện nay, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị các cơ sở y tế ngoài việc tập trung nguồn lực, dốc sức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19, các đơn vị cũng phải chú trọng bảo vệ nhân viên y tế. Các bệnh viện tuyệt đối không được chủ quan, lơ là dù chỉ một phút trong điều trị COVID-19.