CQĐT không chỉ căn cứ vào hành vi “di chuyển bàn tay trái” của bị can mà còn căn cứ vào nhiều hành vi khách quan khác để đề nghị truy tố Nguyễn Hữu Linh.
- Gia đình bé gái bị sàm sỡ nói Nguyễn Hữu Linh 'quý cháu nên mới ôm hôn'?
- Diễn biến gay cấn trước ngày ông Nguyễn Hữu Linh ra tòa vì tội dâm ô
Mặc dù kết quả giám định kết luận không đủ cơ sở để xác định bàn tay trái của ông Nguyễn Hữu Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước của bé gái hay không nhưng CQĐT Công an quận 4 (TP.HCM) vẫn tiếp tục đề nghị VKS cùng cấp truy tố Linh về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Vì sao?
Kết luận giám định chưa phải là chứng cứ
Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTHS, kết luận giám định cũng chỉ là một trong rất nhiều nguồn chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Về mặt khoa học pháp lý, sự phân biệt giữa nguồn chứng cứ và chứng cứ được thể hiện chủ yếu thông qua hoạt động đánh giá và sử dụng chứng cứ. Theo đó, một nguồn chứng cứ sẽ trở thành chứng cứ của vụ án khi cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng nó để chứng minh cho một vấn đề nào đó của vụ án, hoặc để xác định một hành vi nào đó là có tội hay không có tội.
Như vậy, khi nội dung của kết luận giám định không đưa ra được một kết quả cụ thể nào nhằm phục vụ cho việc giải quyết vụ án thì về nguyên tắc, nó không được xem là chứng cứ của vụ án. Tức là nó không được sử dụng để chứng minh cho các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.
Chẳng hạn, kết luận giám định không xác định được độ tuổi của người bị hại thì trong mọi trường hợp nó sẽ không được sử dụng làm chứng cứ để chứng minh về độ tuổi của người bị hại, bất luận là theo chiều hướng có lợi hay không có lợi cho bị can, bị cáo.
Không chỉ là “bàn tay trái”
Trở lại với vụ án Nguyễn Hữu Linh, có thể thấy với kết quả giám định như trên, tài liệu này đương nhiên sẽ không được xem là chứng cứ để xác định bàn tay trái của bị can có chạm hay không chạm vào phần cơ thể phía trước của bé gái.
Tuy nhiên, ý nghĩa hay giá trị pháp lý của nội dung kết luận giám định này cũng chỉ dừng lại ở đó, còn bản thân hành vi “di chuyển bàn tay trái” của bị can vẫn là một sự kiện có thật và nó nằm trong tổng thể các hành vi được xem là có dấu hiệu của tội dâm ô. Vì vậy, hành vi này phải được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong mối tương quan với các hành vi khác thể hiện qua hình ảnh camera.
Mặt khác, khi khởi tố vụ án, CQĐT không chỉ căn cứ vào hành vi “di chuyển bàn tay trái”của bị can mà còn căn cứ vào nhiều hành vi khách quan khác, kể cả việc xem xét tính chất của hành vi (thô bạo hay âu yếm, nhẹ nhàng) cũng như bối cảnh xảy ra vụ việc…
Có thể thực nghiệm điều tra
Có một điều đáng lưu ý là sở dĩ kết luận giám định không xác định được bàn tay trái của ông Linh có chạm vào phần cơ thể phía trước của bé gái hay không là do hình ảnh khuất khỏi tầm quan sát của camera.
Để khắc phục sự bế tắc này, cơ quan tiến hành tố tụng có thể tiến hành thực nghiệm điều tra bằng cách cho diễn lại hành vi, dựng lại tình huống… để xác định hai vấn đề cơ bản sau:
Với tư thế ôm hôn bé gái của bị can như đã thể hiện qua hình ảnh, có thể tồn tại một “khoảng trống” nào giữa bàn tay trái của bị can với phần trước cơ thể của bé gái hay không?
Sự di chuyển bàn tay trái của bị can trong trường hợp này chỉ có thể xảy ra ở ba vị trí: (i) trên cơ thể bé gái, (ii) trên cơ thể bị can, (iii) khoảng cách (nếu có) giữa cơ thể bị can và cơ thể bé gái. Trong ba vị trí đó, vị trí nào là hợp lý và khả dĩ?
Từ kết quả thực nghiệm này, cơ quan tố tụng có thể đánh giá toàn diện, khách quan hơn chuỗi hành vi của bị can. trên cơ sở đó, cơ quan tố tụng sẽ truy tố, xét xử vụ án.