Uống nhầm chai xăng người lớn bỏ quên trong vườn, cháu bé 1 tuổi ở Thanh Hóa tử vong thương tâm.
- Bà bầu trẻ bị dân mạng chỉ trích gay gắt khi vừa quay livestream vừa làm hành động phản cảm, nghi ngờ bất chấp để câu view bán hàng
- Vợ nhờ dẫn con đi hóng mát, chồng ngủ thẳng cẳng để con nằm bên đường khiến dân mạng tranh cãi
Ngày 17/9, thông tin từ Công an huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), khoảng 8h30 ngày 15/9, cháu bé Đ.T.L. (SN 2019, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) được gia đình đưa vào viện trong tình trạng toàn thân tím tái.
Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết, bệnh nhi uống phải xăng, sau đó được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Thọ Xuân. Tuy nhiên, tình trạng cháu rất nặng, được đặt nội khí quản và chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa. Tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, các bác sĩ đã cấp cứu tích cực nhưng cháu không qua được, đến 12h cùng ngày thì cháu tử vong.
Lực lượng chức năng sau đó đã đến nhà bé L. để khám nghiệm hiện trường. Qua xác minh ban đầu, xác định, trong ruột của cháu Đ.T.L. có xăng nhiều khả năng là do cháu bé đã uống nhầm một chai xăng bị vứt trong vườn sau khi dùng để đốt tổ ong.
Cách xử trí khi uống nhầm xăng
Theo các bác sĩ, viêm phổi do hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut gây nên các tổn thương ở phổi. Các tổn thương này phụ thuộc vào số lượng và đáp ứng của bệnh nhân đối với chất hít và số lần bệnh nhân bị sặc.
Xăng dầu thuộc nhóm hóa chất bay hơi, có đặc tính sức căng bề mặt thấp nên dễ lan rộng kích thích niêm mạc gây các triệu chứng ho sặc sụa, nôn, ngạt thở ngay khi uống vào. Độ nhớt thấp và độ bay hơi cao cho xăng dầu khả năng dễ dàng hít vào phổi, nhanh chóng đến tận các phế quản nhỏ và phế nang gây viêm phổi. Biểu hiện thở nhanh, co lõm ngực, khò khè. Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong.
Lượng xăng dầu nuốt vào cũng gây tác dụng tại chỗ, làm đau bụng, tức ngực, buồn nôn. Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não, xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê.
Các bác sĩ khuyến cáo, các gia đình hãy thật cẩn thận trong trông nom và chăm sóc trẻ nhỏ. Những hóa chất có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dầu hỏa, xăng, dầu nhờn, nước giặt, nước sôi… phải để xa tầm tay của trẻ; những đồ dùng, thiết bị điện cũng cần được chú ý để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh những tình huống đáng tiếc có thể xảy ra trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
Đặc biệt khi trẻ đã uống nhầm xăng, dầu, người lớn không được móc họng gây nôn. Khi tai nạn xảy ra, thông thường xử trí đầu tiên của người nhà là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở. Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý phù hợp.