Năm ngoái, chỉ trong vòng 20 ngày, anh Lê Nam Khang - một họa sĩ trẻ sinh năm 1985 ở Quảng Trị - đã vẽ 2.000 bức tranh thư pháp trên dưa hấu mùa Tết.
- Chuyện về người phụ nữ bỏ tiền mua xe cứu thương và người đàn ông vượt gần 2.000 cây số ra Hà Nội làm tài xế miễn phí cho bệnh nhân nghèo
- Nỗi xót xa của bà mẹ có con trai bị bỏng cấp độ 5: Vay tiền để chữa trị cho con nhưng vì nghèo nên không ai cho
Chuẩn bị chốt đơn hàng khách đặt dưa hấu thư pháp mùa Tết Nguyên đán 2019, anh Lê Nam Khang - một họa sĩ trẻ sinh năm 1985 ở TP. Đông Hà (Quảng Trị), cho biết, đến thời điểm này, 3.000 quả dưa hấu đã được khách đặt vẽ tranh thư pháp. Ngày 8/1, anh chính thức chốt đơn hàng để kịp vẽ trả dần tranh trên dưa hấu cho khách.
“Ý tưởng vẽ tranh thư pháp trên dưa hấu bắt nguồn từ việc tôi muốn tặng bố mẹ vợ một món quà Tết độc đáo, ý nghĩa”, anh Khang tâm sự.
Anh Khang tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Huế, năm 2014 anh kết hôn. Tết năm đó, với mong muốn tặng món quà Tết độc đáo, mới lạ và ý nghĩa cho gia đình vợ, anh nảy ra ý tưởng viết chữ thư pháp “Lộc” trên quả dưa hấu. Chỉ mất mấy chục phút, anh đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật tranh Tết trên dưa hấu khá ưng ý.
Gia đình vợ anh rất thích món quà Tết này và được mọi người hết lời khen ngợi. Kể từ đó, anh Khang ấp ủ dự định vẽ thêm tranh Tết trên dưa hấu để nhiều người có dịp thưởng thức. Tết năm 2015, anh quyết định biến dự định này thành hiện thực.
“Tôi từng nhìn thấy nhiều người dùng dao khắc hình trên quả dưa, hoặc dùng giấy đỏ với nhiều hình vẽ dán trên dưa,... nhưng vẽ tranh trên dưa thì chưa. Khi tận tay trao món quà Tết này, gia đình vợ tôi rất ưng”, anh chia sẻ.
Vẽ tranh trên giấy, trên gỗ, hoặc viết thư pháp đều truyền tải được không khí ngày xuân lên từng tác phẩm. Tuy nhiên, anh vẫn tâm đắc và dành nhiều tâm huyết với việc vẽ tranh Tết trên dưa hấu. Bởi quả dưa gần gũi, thân thiện và gắn bó từ bao đời với người dân Việt Nam, luôn có mặt trong ngày xuân để chưng Tết hoặc thờ tự.
Anh cũng cho hay, vẽ tranh trên dưa có nhiều điều thú vị, hấp dẫn riêng. Điều anh trăn trở nhất chính là tìm ra “tuổi thọ” cho những tác phẩm nghệ thuật trên dưa hấu. Vì thế, yếu tố quan trọng là phải tìm ra giống dưa chất lượng, hình dáng đẹp để có thể chuyển tải hết nội dung, thông điệp và bảo quản được lâu trước sự tương tác giữa bút mực với dưa cộng với yếu tố thời tiết.
Một bức tranh ngày Tết trên dưa hoàn thiện phải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn dưa chất lượng, hình dáng đẹp đến việc “thổi hồn” vào dưa, sau đến công đoạn sấy cho nét mực in lâu và đảm bảo tuổi thọ trung bình của dưa từ 3 tháng trở lên.
Anh Khang chia sẻ, mỗi bức vẽ dù chung một chủ đề nhưng khi thể hiện ra đều mang những nét riêng, vì thế, không có tác phẩm nào giống tác phẩm nào. Điều quan trọng nhất khi vẽ là phải kiểm soát được hình ảnh và làm nổi bật được chủ đề định nói đến.
Thành công từ năm đầu tiên với hơn 400 bức tranh Tết trên dưa hấu được nhiều người đón nhận, anh tiếp tục sáng tạo với hơn 450 bức vào năm 2016. Đặc biệt trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, anh sáng tác với số lượng lớn, gần 1.000 tranh Tết trên dưa hấu để tặng, biếu người thân và làm theo đơn đặt hàng.
Anh cho hay, tranh thư pháp vẽ trên dưa hấu khá phong phú về chủ đề, như: tranh về Tết cổ truyền dân tộc, tranh các con vật, tranh chữ,... Giá bán lẻ dao động từ 180.000-250.000 đồng/quả dưa thư pháp tùy vào độ khó. Tất cả những bức tranh trên dưa hấu này đều tự tay anh vẽ, không có sự can thiệp của bất cứ máy móc nào.
Chị Nguyễn Thị Trang - vợ anh Khang, nói thêm, mùa Tết năm ngoái, chỉ trong vòng 20 ngày (bắt đầu từ mùng 10 tháng Chạp đến 10h đêm 30 tháng Chạp), anh Khang tự tay vẽ tới 2.000 bức tranh thư pháp trên dưa hấu cho khách hàng trên khắp cả nước, thu về tầm 200 triệu đồng. Trừ đi chi phí, anh đút túi khoảng 50 triệu đồng.
Năm nay, đơn hàng đã lên tới 3.000 quả dưa thư pháp. Dự kiến, anh bắt đầu vẽ từ ngày mùng 10 âm lịch tới để kịp trả hàng cho khách chơi Tết.