Sau nhiều ngày im hơi lặng tiếng, ngày 12/1 vừa qua, PGS.TS Bùi Hiền bất ngờ công bố kết quả chuyển thể tác phẩm "Truyện Kiều" sang bảng chữ cải tiến mới do ông đề xuất.
- PGS Bùi Hiền: "Gạch đá" là động lực để tôi tiếp tục cải tiến tiếng Việt
- PGS.TS Bùi Hiền nói về phần 2 cải tiến tiếng Việt: "Kuộk sốw" gồm kí tự k (cờ) và w (ngờ), ghép lại vẫn đọc là cuộc sống thôi!
Ông cho biết phải mất 10 ngày để chuyển thể tác phẩm này sang ngôn ngữ cải tiến. Sở dĩ ông chọn "Truyện Kiều" để chuyển thể vì đây là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam.
“Tôi chọn tác phẩm này để chuyển thể ngôn ngữ nhằm thử nghiệm cho công trình nghiên cứu của mình bởi trước đó, bản chuyển đổi của tôi chỉ vỏn vẹn trong một trang giấy”, PGS. giải thích.
Một số câu thơ điển hình trong "Truyện Kiều" được PGS.TS Bùi Hiền chuyển thể như sau:
“Căm năm cow kõi wười ta,
Cữ tài cữ mệnh xéo là gét nhau.
Cải kua một kuộk bể zâu,
Nhữw diều côw qấy mà dau dớn lòw”.
Còn đây là những câu thơ trong bản gốc của đại thi hào Nguyễn Du:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.
Trao đổi với các cơ quan báo chí, PGS.TS Bùi Hiền cho biết ông đã dành gần 300 tiếng đồng hồ để chuyển thể 3.254 câu thơ lục bát của "Truyện Kiều" sang ngôn ngữ “tiếw Việt”.
Mặc dù đã chuyển toàn bộ tác phẩm sang bảng chữ cái mới nhưng ông khẳng định nội dung, tư tưởng thẩm mỹ ban đầu của "Truyện Kiều" không hề bị phá vỡ.
“Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ Nôm, sau đó mới chuyển qua chữ quốc ngữ như hiện nay. Giờ đây, tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến thì các giá trị về nội dung hay giá trị nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi”, vị PGS. khẳng định.
Ông còn khẳng định, chỉ cần 10 đến 15 phút nghiên cứu 10 âm vị thuộc bảng chữ cái mới là độc giả có thể đọc được tác phẩm "Cuyện Kiều" do ông chuyển thể.
Cuối năm 2017, PGS.TS Bùi Hiền đã khiến dư luận tranh cãi kịch liệt khi công bố liên tiếp hai phần nghiên cứu về việc cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt thành “tiếw Việt”.
Theo đó, các âm vị được chuyển đổi như sau:
ch, tr = Cc /chờ/ ; đ = Dd /đờ/; ph = Ff /phờ/ ; c,k,q = Kk /cờ/ ; nh = NH nh /nhờ/(tạm thời); th = Qq /thờ/ ; s, x = Ss /sờ/ ; ng, ngh = Ww /ngờ/ ; kh =Xx /khờ/ ; d, gi, r = Zz /dờ/.