Nam bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu đang được điều trị tại Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), 16 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được cách ly, kiểm tra y tế.
- 9 tội danh liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19
- Tập trung đông người nơi công cộng trong thời điểm dịch bệnh sẽ bị phạt tiền cao nhất 30 triệu đồng, thậm chí xử lý bằng chế tài hình sự
Tối 25/6, Trung tá, BS Phan Bá Hiếu - Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) xác nhận nơi đây vẫn đang điều trị cho một trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu.
Trước đó, bệnh nhân nam, 20 tuổi được đưa vào BV trong tình trạng sốt, đau họng, khó thở, hàm sưng to, dấu hiệu điển hình của bệnh bạch hầu.
Các nhân viên y tế đã tiến hành điều trị cách ly, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm của bệnh nhân chuyển đến Viện Pasteur TP.HCM. Kết quả xét nghiệm sau đó khẳng định bệnh nhân nhiễm bệnh.
Hiện tại sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đang được tiếp tục theo dõi diễn tiến bệnh tại bệnh viện. Tất cả 16 trường hợp tiếp xúc gần với nam bệnh nhân cũng đã được cách ly. Nhiều nhân viên y tế và bệnh nhân cùng phòng với bệnh nhân được kiểm tra, uống thuốc dự phòng.
Trước đó, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 12 người dương tính tại 3 ổ dịch. Đặc biệt, một cháu nhỏ đã tử vong, bắt buộc phải cách ly, điều trị dự phòng hơn 1.200 người.
Ở Việt Nam, khoảng 5 năm nay, bệnh bạch hầu liên tiếp xuất hiện nhiều tại những tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Đắk Lắk… Từ rải rác xuất hiện một, hai trường hợp ở một số vùng, gần đây liên tiếp hàng chục bệnh nhân nhiễm bệnh được ghi nhận.
Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch nhất là ở trẻ dưới 15 tuổi chưa được gây miễn dịch đầy đủ.
“
Bộ Y tế khuyến cáo
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td đầy đủ, đúng lịch.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
3. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
4. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
5. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
”