Chấn thương sọ não, gãy hàm, gò má, vỡ ổ mắt... là hậu quả mà nhiều bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 phải gánh chịu chỉ vì ý thức tham gia giao thông kém của người lớn.
- Container gây tai nạn ở Long An: Số phận khác người của tài xế Hiếu
- Thăm nạn nhân vụ tai nạn ở Long An: Cảnh nghèo không thể tưởng!
Ngày 7/1, Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng hàm mặt, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết số ca trẻ bị tai nạn nặng những ngày gần đây đã tăng đáng báo động.
Cụ thể cũng với 4 ngày nghỉ nhưng trong khi năm ngoái chỉ có 2 ca tai nạn thì năm nay lên đến 10.
Ngoài việc tăng gấp 5 lần về số lượng thì mức độ tai nạn của trẻ cũng trầm trọng hơn. Các ca nặng bao gồm bị chấn thương sọ não, vết thương da đầu, gãy hàm, gò má…
Đáng chú ý, đa số trẻ bị nạn hầu hết đều không được người lớn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Như trường hợp bé H.S.P (6 tuổi, ngụ ở Đồng Tháp) được mẹ chở bằng xe máy nhưng không đội nón bảo hiểm. Sau khi va chạm với một xe lớn, bé văng xuống đường gây chấn thương sọ não, gãy hàm gò má.
Một trường hợp khác là bé N.T.P (6 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cũng được mẹ chở đi chơi bằng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Hậu quả là khi xảy ra tai nạn mẹ bé không qua khỏi, riêng bệnh nhi cũng gãy tay phải, gãy xương hàm dưới cằm, xây xát nhiều chỗ.
Còn P.H.C (ngụ Vĩnh Long) dù mới 15 tuổi vẫn chạy xe máy dẫn đến bị té chấn thương sọ não, gãy xương hàm mặt, vỡ xương gò má và ổ mắt.
Riêng trường hợp bé L.H.P dù có đội mũ bảo hiểm nhưng nhưng lại không đúng nên khi bị nạn nón văng ra làm gãy vỡ hàm gò má, gãy vỡ ổ mắt.
Nặng nhất là trường hợp bé P.T.T.A (11 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).
Thời điểm xảy ra tai nạn, bé được mẹ chở đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Khi máng phải một xe khác, bé bị té đập đầu xuống đất bất tỉnh.
Bệnh nhi nhập viện để theo dõi chấn thương sọ não, gãy cả hai tay, xương mũi dập nát.
Kíp điều trị đã băng bột hai cánh tay gãy và xử lý xương lệch nằm sai vị trí trên khuôn mặt và sửa chữa vùng sẹo xấu.
Theo các bác sĩ dù qua cơn nguy hiểm nhưng sẽ để lại di chứng chức năng và thẩm mỹ về sau, khi bệnh nhi gặp nhiều chấn thương phối hợp, gãy nhiều xương phức tạp.
"Dịp lễ Tết là thời gian trẻ được nghỉ ngơi tại nhà, vì cha mẹ bận rộn lo lắng trang hoàng nhà cửa nên sẽ lơ là. Trẻ dễ bị những tai nạn như té đập đầu, hay ngậm vật cứng khiến hóc dị vật.
Ngoài ra với trẻ lớn, một tai nạn thường gặp phải là bị chó cắn chấn thương khi chọc ghẹo chúng" - Bác sĩ Đẩu cảnh báo.
Trong năm 2018, có 30 trường hợp bị chó cắn nát mặt đã đến cấp cứu tại khoa Răng hàm mặt, BV Nhi đồng 1.