Trước thực trạng một số tỉnh thành phố có mức sinh thay thế thấp tuy nhiên cũng có nhiều địa phương có mức sinh thay thế cao, Bộ Y tế đã đưa ra các phương án điều chỉnh để đối phó với những thách thức trong công tác dân số, cũng như đảm bảo các mục tiêu dân số.
- Hoa chết vì thiếu nước, người chết vì tức giận
- Nhập viện do thói quen bôi kem chống nắng 6 lần mỗi ngày
Trong Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Dân số của Bộ Y tế, đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trao đổi với phóng viên Gia đình Việt Nam vào sáng ngày 11/7 về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, đây là một trong các điều chỉnh của Bộ Y tế để đối phó với những thách thức trong công tác dân số, cũng như đảm bảo các mục tiêu dân số.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, dự thảo Luật Dân số khi xây dựng đã được tham khảo nhiều chuyên gia quốc tế và lấy ý kiến của các địa phương, các cơ quan, đơn vị.
"Chúng tôi dự kiến trong Luật Dân số không quy định cụ thể về số con mà mỗi gia đình sẽ có. Thay vào đó, chúng tôi sẽ có những điều chỉnh phù hợp để đảm bảo duy trì mức sinh thay thế và đảm bảo cơ cấu dân số vàng", Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.
Thứ trưởng Liên Hương cũng chỉ ra 4 khó khăn, thách thức trong công tác dân số mà Việt Nam đang đối mặt. Các vấn đề này chủ yếu xuất phát từ sự phát triển kinh tế, xã hội và các yếu tố khách quan:
- Thứ nhất, mức sinh thay thế có xu hướng không đảm bảo một cách bền vững. Có sự khác biệt giữa các vùng miền và một số tỉnh thành có tỷ lệ sinh thấp hơn so với yêu cầu.
- Thứ hai là vấn đề già hóa dân số tăng nhanh.
- Thứ ba là vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, ở một số vùng, sự mất cân bằng này được thể hiện rất rõ.
- Thứ tư là sự lồng ghép của chương trình dân số vào các chương trình phát triển kinh tế xã hội tại một số địa phương chưa được thực hiện hiệu quả.
Đứng trước các khó khăn, thách thức này, Đảng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế làm đầu mối để xây dựng Luật Dân số, nhằm giải quyết khó khăn, thể chế hóa các chính sách, quy định để công tác dân số đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội, vấn đề lực lượng lao động, sức khỏe.
"Hiện có một số tỉnh thành phố có mức sinh thay thế thấp tuy nhiên cũng có nhiều địa phương có mức sinh thay thế cao.
Do đó, nhiệm vụ của Bộ Y tế là điều chỉnh đề án làm sao đảm bảo phù hợp để Việt Nam duy trì mức sinh thay thế, không để xảy ra tình trạng giảm mức sinh mà không thể khôi phục như một số quốc gia khác", Thứ trưởng Liên Hương nhấn mạnh.
Hôm nay, nhân Ngày Dân số Thế giới (11/7), Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc - UNFPA tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới.
Chương trình để cùng nhau nhìn lại những tiến bộ toàn cầu trong quá trình thực hiện cam kết về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và các quyền, thảo luận những ưu tiên nhằm giải quyết những vấn đề đang còn tồn đọng trong bối cảnh nhân khẩu học thay đổi nhanh chóng trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình trạng bất bình đẳng và thu hẹp khoảng cách về thực trạng kinh tế - xã hội giữa các vùng cũng như các nhóm dân cư.
Chỉ số phát triển con người được cải thiện đáng kể và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh.
Tỷ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn khoảng 40/100.000 trẻ đẻ sống những năm gần đây.
Từ năm 1993, tỷ suất tử vong trẻ em dưới một tuổi giảm từ 43,3 xuống 12,1 trên 1.000 trẻ đẻ sống năm 2020. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023, cao hơn nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người.