Luật sư Trần Đình Dũng cho rằng mức án cao nhất dành cho tài xế gây tai nạn kinh hoàng ở Long An là 15 năm tù.
- Vụ xe container tông 4 người chết, 18 người bị thương ở Long An: Tài xế và chủ xe chịu khung hình phạt nào?
- Chuyến xe định mệnh của tài xế GrabBike trước khi thiệt mạng dưới bánh container ở Long An
Vụ tai nạn thảm khốc do tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi, ngụ Thạnh Đức, Bến Lức, Long An) điều khiển xe container tông vào một loạt xe máy dừng đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhật, huyện Bến Lức khiến 4 người tử vong, 18 người bị thương, khiến dư luận bàng hoàng.
Hôm nay, Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", đồng thời, tạm giữ hình sự tài xế Phạm Thành Hiếu.
Quyết định khởi tố vụ án của Công an tỉnh Long An có chính xác hay không và mức hình phạt dành cho tài xế Hiếu như thế nào, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với các luật gia, luật sư về vụ án này.
Theo luật gia Đặng Đình Thịnh, việc CQĐT khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" là hoàn toàn đúng. Vụ tai nạn giao thông này gây chết nhiều người nên phải khởi tố ngay vụ án và bắt tạm giam tài xế. Tuy nhiên, về khung hình phạt nặng hay nhẹ còn phải xem xét các yếu tố khác.
Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy, Hiếu dương tính với heroin trong nước tiểu và có nồng độ cồn cao là tình tiết tăng nặng đối với tài xế này. Song, để định khung thì phải xác định được lỗi của tài xế như thế nào. Tài xế cố ý hay do xe bị hư thắng (phanh)?
Theo luật gia Thịnh, xe container thường rất khó hư thắng và theo như camera ghi lại, nếu xe thực sự bị hư thắng thì tài xế có thể cho xe tông vào xe bồn. Lúc này, hậu quả gây ra sẽ ít hơn, thương vong sẽ giảm. Song, anh ta lại đánh tay lái tông xe thẳng vào người dân. CQĐT cũng có thể căn cứ vào tình tiết này để xác định tội danh.
Nặng nhất là tội "cố ý giết người", không còn đơn thuần là tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" nữa.
Theo luật gia Thịnh, vụ tai nạn này là một hồi chuông cảnh tỉnh về việc cấp bằng lái xe cho tài xế. Khi cấp bằng cho tài xế, Sở GTVT các tỉnh thành cần siết chặt hơn nữa, như cần xem xét về nhân thân, bởi theo ông, hiện có rất nhiều tài xế sử dụng ma túy đá.
Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, tai nạn giao thông gây ra cái chết thương tâm cho 4 người, 18 người khác bị thương được xem là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài việc chủ nguồn nguy hiểm cao độ (chủ xe và tài xế) phải bồi thường thiệt hại được qui định tại Điều 601 Bộ luật dân sự năm 2015 và các điều luật liên quan ra, người trực tiếp gây hậu quả phải bị xử lý hình sự theo qui định tại Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Mức án cao nhất của tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là 15 tù giam. Mặc dù hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thế nào đi nữa, BLHS chỉ qui định đối với tội danh này mức án 15 năm tù.
Về ý kiến “Có thể xử lý các hành vi tương tự như thế về tội giết người hay không?”, luật sư Dũng cho rằng, người gây ra hậu quả chết người khi điều khiển phương tiện giao thông, trong trường hợp họ dùng phương tiện giao thông để “làm vũ khí” cố ý giết người thì mới xem xét đối với tội giết người. Chẳng hạn hành động ông A dùng xe ô tô cố ý tông vào bà B với mục địch giết bà B có cấu thành tội giết người hay không là phụ thuộc mục đích điều khiển xe, chứ không phải dựa vào hậu quả.