Sinh viên năm nhất "chật vật" với áp lực giảng đường đại học

Xã hội 22/10/2024 06:54

Nhiều tân sinh viên không khỏi bối rối khi chưa quen với phương pháp học ở trường đại học, chật vật với những bài thi đầu tiên.

Sinh viên năm nhất bỡ ngỡ cách học ở trường đại học

Sau hơn một tháng làm quen giảng đường đại học, Nguyễn Thị Mai Hương - sinh viên ngành Giáo dục tiểu học trường Đại học giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn chưa quen với môi trường học tập mới.

Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần học đại học không nhàn song nữ sinh vẫn "choáng" với cách học tập mới khác hẳn khi còn học THPT và độ khó của một số môn học. Những khó khăn bước đầu đó khiến cô bạn phải chật vật mới có thể hoàn thành các bài tập trên lớp mà điểm số vẫn không như mong đợi.

“Bản thân mình không biết phải bắt đầu từ đâu, mọi thứ đều khác xa so với những gì mình đã quen thuộc, khiến mình hoang mang và lo lắng”, Hương bày tỏ.

Nữ sinh viên cũng nhận định chương trình đại học yêu cầu sinh viên phải chủ động, tự học, tự nghiên cứu, nhưng việc tìm kiếm tài liệu của tân sinh viên khó khăn do không biết tìm ở đâu.

“Mình từng nghĩ rằng chỉ cần tìm trong quyển giáo trình là có thể làm được bài, nhưng khi bắt đầu tìm hiểu mới nhận ra rằng phải đọc rất nhiều tài liệu, thậm chí là của nước ngoài với từ ngữ chuyên môn khó hiểu khiến mình bị choáng ngợp, không biết cách làm cách nào để sắp xếp ý tưởng cho hợp lý”, Hương cho hay.

Áp lực với khối lượng kiến thức lớn khiến nữ sinh thường xuyên thức đêm, dành cả tiếng đồng hồ để đọc tài liệu nhưng kết quả vẫn không như mong đợi. Điểm số thấp làm Hương không khỏi thất vọng, hụt hẫng, lo sợ.

Sinh viên năm nhất 'chật vật' với áp lực giảng đường đại học - Ảnh 1
Học đại học không "nhàn" như nhiều sinh viên tưởng tượng (Ảnh: NVCC)

Không riêng Mai Hương, nhiều tân sinh viên khác cũng gặp tình trạng "ngợp" và chưa kịp thích nghi khi cùng lúc tiếp thu nhiều môn học mới mẻ, lạ lẫm với cách học chủ động hơn so với trước đây.

Tương tự câu chuyện của Mai Hương, bạn Nguyễn Thùy Trang, sinh viên năm nhất trường Đại học Luật Hà Nội lại phải đối mặt với áp lực làm việc nhóm.

Ngay trong lần đầu tiên làm bài tập nhóm, Trang đã cảm thấy sốc bởi năng lực của các thành viên, họ không chỉ thông minh mà còn rất năng động và sáng tạo, nhiều bạn nắm bắt kiến thức rất nhanh, có kỹ năng làm việc rất tốt. Trong khi đó, Thùy Trang gần như bị động chỉ ngồi lặng lẽ quan sát, không dám tham gia vào các cuộc thảo luận hay đóng góp ý kiến của nhóm.

“Mình cảm thấy lạc lõng trong môi trường đại học, xung quanh toàn những người bạn tài năng làm mình thấy bản thân đang dần bị bỏ lại phía sau. Hồi cấp ba, mình tự hào vì là học sinh có thành tích tốt trong lớp, nhưng khi lên đại học, gặp những bạn giỏi như vậy, mình cảm thấy thành tích trong quá khứ không còn ý nghĩa gì nữa”, Trang thẳng thắn chia sẻ.

Sinh viên năm nhất 'chật vật' với áp lực giảng đường đại học - Ảnh 2
Nhiều tân sinh viên gặp khó khăn trong học tập khi mới vào đại học (Ảnh: NVCC)

Làm gì để thích nghi?

Không chỉ Mai Hương, Thùy Trang, rất nhiều sinh viên tỉnh lẻ ra Hà Nội bước đầu đã phải đối mặt nhiều áp lực. Không chỉ là cuộc sống mới xô bồ, đắt đỏ mà còn ngay cả trong phương pháp học mới với sự cạnh tranh trong từng bài học.

Lê Ngọc Chi, sinh viên năm ba, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ, cô cũng từng gặp khó khăn tương tự khi còn là sinh viên năm nhất.

Ngọc Chi cho biết, mỗi ngày cô phải học liên tục 5 tiết, có khi học cả ngày và sau đó vẫn phải hoàn thành bài tập về nhà. Do chưa biết cách quản lý thời gian và phương pháp học phù hợp, cô thường xuyên phải thức đêm làm bài, dẫn đến tình trạng căng thẳng và mệt mỏi.

“Ngay từ khi mới bắt đầu, mình đã nghĩ lên đại học sẽ có nhiều thời gian rảnh để tham gia các hoạt động theo sở thích, nhưng thực tế thì không như vậy. Mình hầu như không có thời gian để đi chơi cùng với bạn bè, lịch học dày đặc và lượng bài tập lớn khiến sức khỏe mình bị ảnh hưởng”, Ngọc Chi tâm sự.

Tuy nhiên sau 3 năm học đại học, Ngọc Chi dần nhận ra rằng thay vì tự tạo áp lực cho bản thân thì hãy biến nó thành động lực để tiến lên.

“Mình chia nhỏ các mục tiêu học tập, và từng bước thực hiện chúng. Khi hoàn thành được từng mục tiêu nhỏ ấy, mình cảm thấy tự tin hơn và có động lực để tiếp tục”, Chi cho biết.

Không những thế, qua thời gian bỡ ngỡ ban đầu Ngọc Chi còn sắp xếp thời gian tham gia các câu lạc bộ của trường. Đến năm học thứ 3 khi đã quen với nhịp độ và áp lực giảng đường nữ sinh trường báo thực sự "nhàn" với những bài học và lịch trình của lớp. Khi giải tỏa được tâm lý, việc học đối với Chi cũng không còn khó khăn, căng thẳng như trước.

Với kinh nghiệm của bản thân, Ngọc Chi đưa ra lời khuyên: “Nên tham gia các câu lạc bộ ở trường, ở khoa, đó là môi trường để các bạn tân sinh viên có thể giao lưu và học hỏi từ những anh chị đi trước, những người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Đồng thời, đây cũng là không gian để các bạn có thể chia sẻ và trò chuyện với những người bạn đồng trang lứa, những người có thể cũng đang trải qua những thử thách và áp lực tương tự”.

Press Cup 2024 khu vực phía Nam: 12 đội đua tài trên sân cỏ

Lần đầu tiên giải đấu vòng loại khu vực phía Nam có sự tham gia đông đảo của 12 đội bóng đến từ 14 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đóng chân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm nay có sự tham gia của đội bóng đến từ Đài phát thanh truyền hình Tây Ninh – tỉnh Tây Ninh.

TIN MỚI NHẤT