Chuyên gia về rắn xem và nhận định rằng cặp rắn xuất hiện trên ngôi mộ của "Bà ăn mày" mà người dân đồn thổi là "rắn thần" thực chất chỉ là loài rắn nước và cảnh báo tránh các hoạt động mê tín dị đoan, dễ bị trục lợi.
- Thực hư việc "Công chúa thuốc lào" chữa bách bệnh bằng nắn bóp gây xôn xao trên mạng
- Xe ben mất lái gây tai nạn kinh hoàng ở Sài Gòn, ít nhất 3 xe máy bị cuốn vào gầm, nhiều người thương vong
Chiều 1-3, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Mai Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn (Quảng Bình) - cho biết đơn vị này đã nắm thông tin về việc hàng ngàn người dân đổ về ngôi mộ vô danh ở xã Quảng Văn để dâng hương cúng bái, cầu khấn 2 con rắn mà người dân đồn thổi là "rắn thần".
Theo ông Thắng, UBND thị xã Ba Đồn đã có văn bản chỉ đạo UBND xã Quảng Văn quản lý chặt chẽ, tránh xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng niềm tin của quần chúng nhân dân để lôi kéo người dân tham gia các hoạt động mê tín dị đoan, nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi; gây ảnh hưởng xấu đến đời sống văn hóa lành mạnh của cộng đồng, làm phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Bên cạnh đó, UBND thị xã Ba Đồn cũng đã chỉ đạo Công an xã Quảng Văn phối hợp với lực lượng công an thị xã Ba Đồn để theo dõi, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội và an toàn giao thông tại địa phương. Đồng thời tích cực tuyên truyền đến người dân không sa vào các hoạt động mê tín dị đoan.
"Đây là một sự việc bình thường nhưng do nhiều người đã quay phim, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội rồi loan truyền, đồn thổi là "rắn thần" khiến nhiều người hiếu kỳ đến xem, cúng bái. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền đến người dân, không sa vào mê tín dị đoan cũng như tập trung đông người gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn" - ông Thắng khẳng định.
Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong ngày 1-3, hàng trăm người dân vẫn lũ lượt kéo về ngôi mộ "Bà ăn mày" để tận mắt chứng kiến 2 con rắn mà người dân gọi là "rắn thần". Nhiều người dân chen chúc nhau vào mộ để dâng hương, hoa, bánh trái rồi chuyển lời cầu khấn đến "rắn thần".
Không chỉ tới xem vì hiếu kỳ, nhiều người tuy chưa rõ đó là rắn gì nhưng vẫn liều lĩnh lại gần sờ vào mình rắn, quẹt tiền, vé số vào "bà rắn" để cầu may. Tại đây, nhiều người mê tín sụp lạy rắn và không ngớt lời xưng hô với rắn bằng "Mệ - tức Bà - PV".
Theo một số người dân được phân công túc trực tại mộ, ban đêm "rắn thần" bò vào hốc đá để nghỉ, ban ngày lại bò ra "ngự" trên ngôi mộ. Dù nhiều ngày qua rất đông người kéo đến xem và sờ vào rắn nhưng lạ thay "rắn thần" không rời đi mà quanh quẩn ở ngôi mộ.
Ông Trần Văn Hạnh (53 tuổi, ở huyện Quảng Trạch) một người am hiểu về loài rắn khẳng định với phóng viên rằng, 2 con "rắn thần" mà người dân đang tôn thờ thực chất chỉ là một cặp rắn nước, một cá thể đực và một cá thể cái. "Đây có thể là 2 mẹ con rắn nước. Con đực hiện đã chết còn con cái đang mang thai hiện cũng đang rất yếu. Người dân không nên mê tín về đây cúng bái tránh bị kẻ xấu nhân danh thánh thần lừa đảo" – ông Hạnh nói.
Như Báo Người Lao Động thông tin ngày 24-2 (ngày mùng 9 Tết Nguyên đán), tại một ngôi mộ vô danh ven đường thuộc thôn La Hà Tây (xã Quảng Văn, thị xã Ba Đồn) xuất hiện 2 con rắn. Qua lời đồn thổi đây là "rắn thần", suốt nhiều ngày qua, đã có hàng ngàn lượt người hiếu kỳ tìm đến xem, thậm chí có những người mê tín còn mang hương hoa đến... cúng rắn.
Được biết, tính đến thời điểm cuối ngày 28-2, người đến cầu khấn, cúng bái đã "dâng" lên con "rắn thần" khoảng... 200 triệu đồng. Trước sự việc này, UBND xã Quảng Văn đã giao lực lượng mặt trận thôn La Hà Tây lập tổ quản lý, đồng thời kiểm soát tiền dâng cúng để có phương hướng xử lý phù hợp.
Theo nhiều người dân địa phương, ngôi mộ xuất hiện "rắn thần" này chôn cất người ăn xin ở trong vùng, mất từ thời chống Pháp.