Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, thường xuyên xuất hiện một nhóm phụ nữ thường ẵm theo 1 cháu bé với sổ khám bệnh trên tay. Nhóm đối tượng này đứng án ngữ ngay tại cửa ra vào khu vực giữ xe của bệnh viện để xin tiền những người dân vào khám chữa bệnh.
Điều đáng nói là toàn bộ số tiền xin được, họ đều dùng để tiêm chích ma túy và thậm chí còn tiêm chích cho cả đứa trẻ mà họ ẵm theo. Nhóm PV Báo Người Tiêu Dùng đã "mật phục" nhiều ngày đêm để vạch trần trước công luận hành động phi nhân tính này.
Bằng những thủ pháp nghiệp vụ, PV Báo Người Tiêu Dùng đã đeo bám, theo về tận hang ổ nhằm vạch trần bộ mặt gian trá, lợi dụng lòng nhân đạo xã hội của những kẻ trong đường dây chăn dắt trẻ em ăn xin. Khi biết bị theo dõi, những “ông trùm” đứng sau các đường dây này lập tức thực hiện nhiều hành vi, ứng xử theo kiểu côn đồ để thị uy, hù dọa…
Lợi dụng trẻ em để xin tiền…
Sáng 10/11, trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM có khá nhiều người nghiện lảng vảng xung quanh. Họ ngồi bệt trên lề đường, thỉnh thoảng chìa tay xin tiền, cặp mắt không ngừng láo liên quan sát. Nhiều thanh niên gầy ốm, xăm vằn vện từ đường Nguyễn Du đi đến trước cổng bệnh viện ngồi phịch xuống, khuôn mặt đờ đẫn… Một số hành khách lặng lẽ dời đi, di chuyển đến vị trí cách đó khoảng 10m để đứng chờ xe. Ông H. chạy xe ôm trước cổng bệnh viện nói: “Tụi nó khoảng 7-8 đứa, hầu hết đều nghiện. Có đứa còn đóng giả làm người nhà bệnh nhân để xin tiền người đi đường. Ai sơ hở thứ gì là tụi nó chôm. Nhiều thanh niên chích xì ke. Có hôm lên cơn đột ngột, nó chích tại chỗ rồi vứt ống chích trên vỉa hè. Tụi nó lúc nào cũng thủ ống chích trong người nên ai cũng sợ. Mới hôm qua, có một cô tầm 40 tuổi đang chờ xe buýt thì bỏ chạy qua đường xin đi nhờ xe ôm. Cô ấy nói bị mấy thằng xì ke cầm ống chích xin tiền.”
9h sáng, trên chiếc xe buýt mang số 3 tuyến Thạnh Lộc – Công viên 23/9, một người phụ nữ tên A. (chừng 30 tuổi) bế theo bé gái chừng 3 tuổi xuống xe, vội vã bước vào bên trong cổng Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại khu vực bãi giữ xe, sau khi thay bộ đồ nhem nhuốc, vừa rít thuốc lá, người phụ nữ này vừa dùng gạc y tế quấn quanh cổ tay như bị thương rồi bế cháu bé ra ngồi ngay lối ra vào bãi giữ xe của bệnh viện và luôn miệng xin tiền: “Con em bị bệnh tim, em không có tiền khám!”
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trong vòng hơn 2 tiếng, người phụ nữ này đã thu được khoảng 200 ngàn. Như đã thấm mệt, người phụ nữ liền bế đứa bé vào hàng ghế chờ của bãi giữ xe và liên tục đốt thuốc. Trong khi đó, đứa trẻ ngồi nghịch ngay bên cạnh mà không hề có biểu hiện bệnh tật gì. Hút thuốc xong, người phụ nữ đưa đứa bé đi rửa chân tay và liên tục đánh vào mặt, người đứa bé. Lúc này, số tiền xin được buổi sáng được chuyển lại cho người bán vé số ngồi cách bức tường phía sau…
Không biết có sự đồng lõa hay không nhưng khi có người hỏi thì câu trả lời vẫn là: Nó khổ lắm! “Nó không có nhà cửa, con giúp đỡ nó đi”.
Đến 12h trưa, tại ghế chờ nhà giữ xe của bệnh viện. Khi vừa uống hết bình sữa do người phụ nữ này pha, đứa bé liền lăn ra ngủ mê mệt, và chiêu rao “Cháu bị bệnh, không có tiền khám !” lại được người phụ nữ này diễn tiếp để xin tiền. Khi người nhà và bệnh nhân ra vào bệnh viện đã vắng, người phụ nữ đứng dậy, chui vào khu vực đỗ xe cấp cứu để kiểm tra số tiền xin được trong buổi chiều.
Nghi vấn hành vi tiêm ma túy cho cả trẻ em?
Đến gần 21h, người phụ nữ bế đứa bé đi bộ ra khu vực đường Hai Bà Trưng để gặp 1 người đàn ông. Sau đó cả 3 lên xe buýt hướng về công viên 23/9. Ngay sau khi xuống xe, cả 3 ghé vào một xe thuốc lá rồi chui vào hẻm 28 Đỗ Quang Đẩu, P. Phạm Ngũ Lão, Q.1. Tại sâu bên trong con hẻm, thấy ít bóng người qua lại, đôi nam nữ rút vội trong người ống kim tiêm, cho một vật gì đó vào bên trong rồi liên tục vỗ mạnh vào bắp tay, chân để tìm mạch máu.
Sau khi chia nhau chiếc xilanh chứa đầy dung dịch vừa được pha chế để chích thẳng vào người, đôi nam nữ ngồi bệt xuống đường có biểu hiện phê thuốc… Ác độc hơn! Số dung dịch còn lại trong xi lanh đã được gã đàn ông chích nốt vào tay đứa trẻ…
Sau đó, khi phát hiện chúng tôi đeo bám suốt chặng đường dài, người đàn ông nhanh chóng nép vào bên trong hẻm, móc điện thoại ra gọi. Cuộc gọi kết thúc, người này vẫn đứng lại bên trong, ngoái đầu nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy thách thức. Thấy vậy, chúng tôi ghé vào quán ven đường mua nước. Khi ấy, người này vội lên xe máy rồ ga, phóng nhanh hòng cắt đuôi. Không để mất dấu, chúng tôi lập tức bám theo. Thì bất ngờ, từ phía trước, xuất hiện nam thanh niên mặt mày bặm trợn, xăm trổ đầy mình dùng xe chắn ngang đường chúng tôi. Người này hất hàm hỏi với thái độ thách thức: “Mấy người tìm ai?”.
Đoán biết đây là đồng bọn của người đàn ông chăn dắt ăn xin, chúng tôi lảng tránh câu trả lời. Để thị uy, người này hỏi tiếp với thái độ hung tợn: “Mấy người theo dõi người ta làm gì?”. Trước thái độ côn đồ, chúng tôi cho biết là đang tìm nhà người quen nhưng quên hẻm, rồi quay xe trở ra.
Gã thanh niên xăm trổ tiếp tục dùng xe bám theo chúng tôi gần cây số. Có lẽ đã chắc chắn chúng tôi không quay lại, người này ngoặt xe “biến” vào một con hẻm hun hút.
Chiều 14/11, trao đổi với phóng viên Báo Người Tiêu Dùng về vấn đề này, một đại diện lãnh đạo Công an TP.HCM cho biết đã tiếp nhận thông tin và sẽ báo cáo lên cấp trên để phối hợp xử lý tình trạng này.
Theo một Luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM, các quy định về xử lý hành vi ép buộc trẻ em đi xin tiền hay lợi dụng trẻ em để trục lợi đã có, tuy nhiên, việc thực hiện lại có rất nhiều điều đáng bàn. Cụ thể, theo Nghị định số 91/2011/NĐ-CP, tại khoản 3 Điều 10 quy định: “Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi tập hợp, chứa chấp trẻ em lang thang để bán vé số, sách, báo, tranh, ảnh, bán hàng rong hoặc các hoạt động khác nhằm mục đích trục lợi”. Còn theo khoản 1 Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi quy định, người nào sử dụng trẻ em làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm… thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Luật là vậy, nhưng việc bạo hành, ngược đãi trẻ em hoặc cha mẹ cho thuê con của mình cho những ổ nhóm tổ chức trẻ em đi ăn xin, bán rong nhằm trục lợi rất khó xử lý bởi khó có bằng chứng. Họ có “dọa” các bé sẽ không được ăn cơm, không được ngủ trong nhà, thậm chí đánh các bé để uy hiếp. Họ ngụy biện rằng, con của họ thì họ muốn làm gì cũng được. Đây chính là điểm rất khó xử lý, đó là chưa kể đa số đối tượng này thường không có địa chỉ cư trú cụ thể hoặc nếu có phạt hành chính thì không chịu đóng phạt hay không có tiền để đóng…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này trong các bài viết tiếp theo.