Trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới ngày càng phổ biến ở trường học, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, lối sống, hành vi của học sinh tuổi vị thành niên.
- Hà Nội: Nghe thấy tiếng động lớn, người dân tá hỏa phát hiện nam nhân viên ngân hàng rơi từ tầng 24 chung cư
- Diễn biến MỚI ngày thứ 13 vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: Đã đào được đến độ sâu 10m
Thói quen hút thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng...) đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong xã hội hiện nay. Tình trạng hút thuốc lá điện tử đang diễn ra phổ biến và lan tràn trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên nói riêng.
Thuốc lá điện tử rất được ưa chuộng. Chỉ nhỏ gọn như một chiếc bật lửa, giá cả cũng rất dễ chịu, chỉ vài trăm nghìn, những chiếc máy thuốc lá điện tử đã trở thành vật bất ly thân của nhiều bạn trẻ. Sử dụng tinh dầu với đa dạng mùi thơm, đây là phương pháp để các em thỏa mãn cơn thèm nicotine mà rất khó bị phát hiện, ngay cả ở trường học.
Học sinh “phì phèo” khói thuốc ngay cạnh khu vực trường học
Thật không quá khó để bắt gặp hình ảnh học sinh trong bộ đồng phục nhưng trên tay và miệng ngậm tẩu thuốc, thả làn khói trắng nghi ngút từ chiếc vape, pod (thiết bị hút thuốc lá điện tử) ở nơi công cộng. Không dừng lại ở những loại tinh dầu thông thường (thành phần không thể thiếu khi sử dụng thuốc lá điện tử, gồm: nicotine, chất tạo mùi...), nhiều người dùng thuốc lá điện tử còn rỉ tai nhau về một loại tinh dầu "ma thuật" có tên gọi CBD.
Có mặt tại một số điểm trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh học sinh vô tư “phì phèo” thuốc lá điện tử ở một số nơi công cộng như hàng quán ăn vặt, quán nước gần trường học. Có thể nói, khói thuốc đang “ám” màu áo trắng học sinh hàng ngày, hàng giờ.
Chỉ cần 300.000 - 500.000 đồng, học sinh đã có thể mua được thuốc lá điện tử có cả tinh dầu. Học sinh coi đây là giải pháp thay cho thuốc lá thông thường và xem nhẹ rủi ro đối với sức khỏe bản thân hay người xung quanh.
Vào một quán trà đá vỉa hè ngay gần một trường THPT trên địa bàn quận Thanh Xuân, gọi một cốc nước, chúng tôi nhanh chóng được hòa mình vào câu chuyện của các học sinh đang “sinh hoạt khói” tại đây.
Rít xong một khói dài, một học sinh còn đang khoác trên mình chiếc áo đồng phục của trường cho biết: “Em hút được gần 1 năm. Hút cái này thơm, không hôi miệng và hại như thuốc lá đâu. Anh hút thử đi…vị này thơm, ngon lắm…”. Thông tin này khá sốc với chúng tôi. Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng các em đã có vẻ như rất thành thạo “thú vui” khó bỏ này.
Trong làn khói thuốc độc hại là những gương mặt thơ ngây, hồn nhiên và không hề hay biết rằng bản thân đã mở toang ra cánh cửa để bệnh tật xâm nhập vào cuộc đời mình.
“Em và các bạn thường mua chỗ người quen, một chai tinh dầu tùy theo ni - mg nữa, lọ tinh dầu em đang hút mượn của bạn là ni - 30mg, dung tích 30 ml như vậy giá tầm 250-300 nghìn đồng, chơi được cả tháng. Còn mua máy pod thì tùy giá tiền, máy em đang dùng giá khoảng 400 nghìn đồng.”
Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ các bạn học sinh không hề biết, chỉ thấy “ngon, thơm, rẻ” thì mua. Còn về phần ni – mg, các em chỉ ậm ừ, nói đó là độ phê chứ không hề biết đây là nồng độ nicotine có trong dung dịch.
Cũng tại quán nước, chúng tôi được nghe đủ hết chiêu bài, kinh nghiệm của các “lão làng” trong việc tinh dầu nào nào ngon, hút như thế nào để phê…Đặc biệt, khi đề cập đến những loại “đồ” tăng độ phê như tinh dầu CBD (Cannabidiol, một hợp chất có trong cây cần sa) được cả nhóm bàn tán rôm rả, khiến người nghe không khỏi giật mình, tuy nhiên theo như các em cho biết đây là loại dung dịch cấm, là một dạng ma túy nên không dám sử dụng.
“Em chỉ dám hút loại thường thôi, chứ hút CBD là “sập” đấy anh ạ. Em thấy rao bán trên mạng đầy nhưng không dám mua dùng đâu”, một bạn học sinh trong nhóm nói.
Không chỉ tại quán nước, xung quanh khu vực trường học, những bạn trẻ mặc đồng phục vô tư nhả khói, một hình ảnh vô cùng phản cảm khiến nhiều người đi ngang vô cùng khó chịu.
Rời địa điểm tại quận Thanh Xuân, chúng tôi đến khu vực hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa), tại đây rất nhiều nhóm bạn trẻ mặc áo học sinh thường tụ tập sau khi tan học, trên tay những cậu bé chừng 16 tuổi là tẩu thuốc lá điện tử, thi thoảng lại đưa lên miệng phì phèo vài hơi rồi truyền cho nhau hút như một thú vui.
Hầu hết khi được hỏi các bạn trẻ đều cho rằng đây là một cách chứng tỏ sự chững chạc, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân. Bên cạnh đó, không hiếm bạn hút thuốc do tâm lý bắt chước và nghe theo bạn bè và cũng có nhiều bạn tìm đến thuốc lá điện tử như một giải pháp giúp giảm đi stress, căng thẳng.
Vô hình chung, các bạn còn chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tác hại của loại thuốc lá mới này. Nhiều bạn trẻ cho biết vì nghĩ thuốc lá điện tử không độc hại như thuốc lá thông thường, nên họ đã hút thử và sau đó nghiện luôn, không dừng được. Một số bạn trẻ còn nhận xét: “So với thuốc lá thông thường, loại này cho ra nhiều khói hơn, cảm nhận được nhiều vị hơn và nếu không hút sẽ thấy thiếu thiếu, khó chịu”.
Trước tình hình tại một số trường học trong cả nước, trong đó có Hà Nội nổi lên hiện tượng học sinh hút thuốc lá điện tử gây hại cho sức khỏe, Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, trường học về việc tăng cường tuyên truyền tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử. Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị, nhà trường tăng cường tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các quy định về cấm hút thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ sở giáo dục và nơi làm việc bằng nhiều hình thức phù hợp.
Thuốc lá điện tử nguy hại đến sức khỏe người dùng như thế nào?
Thuốc lá điện tử (TLĐT) là các sản phẩm cung cấp nicotine điện tử, có cấu tạo bao gồm pin, sạc, bộ phận gia nhiệt, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử. Dung dịch này thường chứa nicotine, chứa chất tạo hương, propylene glycol và glycerin thực vật và một số thành phần hóa chất khác. Ngoài ra một số loại TLĐT có thể được sử dụng để hút cần sa hoặc các chất gây nghiện khác.
Trao đổi với chúng tôi về mức độ nguy hiểm của sản phẩm thuốc lá mới này, Th.S, Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên (Trung tâm hô hấp – Bệnh viện Bạch Mai) thông tin: “Khi người sử dụng hút TLĐT, chất nicotine có trong TLĐT sẽ được hấp thụ qua mạng lưới mạch máu rất rộng lớn của phổi và nhanh chóng đi đến não, gắn với thụ thể của chất này trên não kích thích giải phóng các chất truyền thần kinh gây ra các hiệu ứng thần kinh sảng khoái,… và khởi phát con đường gây nghiện đối với chất nicotine ở những người sử dụng các sản phẩm này."
Bác sĩ Quyên thông tin thêm, các phân tích hóa học đều cho thấy các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử) đều có chứa những thành phần hóa chất độc hại cho sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phổi. Bên cạnh đó, các sản phẩm TLĐT do sử dụng pin để làm nóng và tạo ra dạng hơi, vì vậy cũng làm tăng nguy cơ bỏng cùng các tai nạn khác như cháy nổ.
“Việc sử dụng TLĐT ở thanh thiếu niên hiện nay là đặc biệt nguy hiểm. Hầu hết TLĐT có chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ của trẻ vốn còn phát triển đến năm 25 tuổi. Bên cạnh đó, TLDDT còn chứa các thành phần hóa chất độc hại, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này ở trẻ", bác sĩ Quyên khẳng định thuốc lá điện tử gây hại nghiêm trọng đến sự phát triển của lứa tuổi thanh thiếu niên.