Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo tiền phương để chỉ đạo ứng phó với bão số 9 tại Đà Nẵng.
- Lắp camera trong phòng ngủ con gái, bố mẹ ‘phát điên’ vì phát hiện bộ mặt thật của gã em rể họ
- Quảng Trị dự kiến sơ tán gần 18.000 dân để tránh bão số 9
Ngày 27/10, tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết đây là cơn bão mạnh, nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, đặc biệt khi vào bờ nước biển dâng, gây ngập và chúng ta không còn nhiều thời gian để chuẩn bị.
Mặc dù đánh giá cao sự chủ động của các địa phương khi cả hệ thống chính trị đều vào cuộc lên kế hoạch sơ tán dân, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền tránh trú… Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định: "Đây là cơn bão mạnh và nguy hiểm nhất từ 20 năm trở lại đây tại miền Trung. Chúng ta chủ động thế nào cũng không thể chủ quan. Mục tiêu phải bảo vệ an toàn tính mạng của người dân".
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm 4 tại chỗ và có sự hỗ trợ, vào cuộc của các Bộ, ngành, Trung ương. Tiếp tục rà soát các tàu thuyền, đưa ra khỏi nơi nguy hiểm và tránh trú an toàn, tránh trường hợp vào nơi tránh trú rồi vẫn bị chìm hoặc các tàu thuyền va đập nhau mà hỏng.
Sơ tán tất cả những người dân tại các cơ sở sản xuất trên biển, trên đảo, không để người dân ở trên các lồng bè.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đảm bảo an toàn trên đất liền khi bão vào, trong đó sơ tán dân là số 1. Đảm bảo an toàn cho các công trình, hạ các giàn giáo đang xây dựng, tháo các biển quảng cáo xuống… Cấm người dân ra đường khi bão vào.
Bảo đảm an toàn cho hồ đập, đê điều, đặc biệt là vận hành an toàn hồ chứa. Chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão, sạt lở đất ở khu vực miền núi của miền Trung và Tây Nguyên.
"Đề nghị khẩn cấp, tập trung ứng phó giảm thiểu nhiều nhất thiệt hại người và tài sản", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra tàu thuyền neo đậu tránh bão tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, hồi 13h ngày 27/10, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 470km; gió cấp 13, 14, giật cấp 17, di chuyển 20-25km/h theo hướng Tây Tây Bắc.
Dự báo, đến 10h ngày 28/10, trên đất liền từ Quảng Nam - Bình Định gió cấp 11, 12, giật cấp 15, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Gió trên đất liền từ Đà Nẵng - Bình Định: cấp 11-12, giật cấp 15; Thừa Thiên - Huế, Phú Yên: cấp 8, 9, giật cấp 11; Kon Tum, Gia Lai: cấp 7-8, giật cấp 10; Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Khánh Hòa: cấp 6-7, giật cấp 10.
Từ đêm 27- 29/10, từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên mưa 200-400mm/đợt; Bắc Tây Nguyên mưa 100-200mm/đợt. Từ 28-31/10, Nam Nghệ An và Hà Tĩnh mưa 500-700mm/đợt, Quảng Bình - Quảng Trị mưa 200-400mm/đợt.
"Đây là cơn bão mạnh nhất, rất nguy hiểm cho Trung Bộ từ 10-20 năm nay", ông Cường nói.
Ngay sau cuộc họp tại Ban Chỉ đạo tiền phương phòng chống bão số 9, chiều 27/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát, kiểm tra vị trí sạt lở và khu sơ tán dân tại Cửa Đại, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Tại khu vực biển Cửa Đại, TP. Hội An, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, khu vực bờ biển Cửa Đại hiện đang sạt lở nghiêm trọng kéo dài 7km. Trong thời gian qua, mặc dù tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều nguồn lực để gia cố đê kè nhưng tình hình xâm lấn và sạt lở vẫn diễn ra mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao chính quyền tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An đã nhanh chóng có các biện pháp ứng phó với bão số 9, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cơn bão số 9 đặc biệt nguy hiểm, do đó tỉnh Quảng Nam cần khẩn trương gia cố các khu vực sạt lở nguy hiểm, xung yếu, tập trung để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.
Tỉnh Quảng Nam phải sơ tán người dân một cách triệt để ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, khu vực dễ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đưa thuyền bè của người dân vào nơi tránh trú an toàn. Bảo vệ nhà cửa, tài sản, bến bãi, tất cả những công trình xây dựng, bảo vệ công trình hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện, công trình giao thông, bảo vệ các công trình hồ đập an toàn.
"Muốn vậy tất cả các lực lượng Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ liên quan chuẩn bị sẵn nhân lực, vật lực kể cả xuồng, thuyền, tàu, máy bay trực thăng… Và cùng các địa phương với phương châm 4 tại chỗ để chúng ta ứng phó kịp thời cứu hộ cứu nạn, bảo vệ người dân.", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thăm hỏi, động viên người dân tại khu sơ tán dân tại phường Cửa Đại, Hội An, tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng nêu rõ, đây là cơn bão mạnh nhất trong 20 năm, các nhà yếu sẽ không chịu nổi, vì vậy việc sơ tán người dân đến nơi an toàn là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho mọi người.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý chính quyền phường Cửa Đại cũng như TP. Hội An (Quảng Nam) phải chú ý đến đảm bảo an ninh trật tự tại điểm người dân tránh trú bão, đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.
"Nên bà con chịu khó vất vả, thực hiện ý kiến chỉ đạo chính quyền, chủ động sơ tán. Tôi đề nghị lực lượng công an bảo vệ tài sản người dân, bảo vệ an ninh trật tự để bà con yên tâm. Tôi cũng đề nghị chính quyền bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con tại nơi sơ tán. Khi an toàn, chúng ta sẽ trở về", Phó Thủ tướng chia sẻ với người dân địa phương.