Nghe chuyện rùa khổng lồ xé toang cả lưới đánh cá trị giá 5 tỷ đồng ở hồ Suối Hai, tôi tìm ngay lên hồ Ba Vì để tìm hiểu.
- Cảnh sát vào rừng lùng nhóm nghi can bắn chết người giữa ban ngày
- Thi thể đôi nam nữ ôm chặt nhau dưới đáy hồ
Kỳ 1: Những mẻ lưới bị xé toang
Nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn mới đây gọi điện rủ tôi lên Ba Vì (Hà Nội) xem anh đánh bắt cá sạch, toàn cá khổng lồ, mà mỗi mẻ lưới kéo lên dăm ba chục tấn.
Nhóm thợ của anh, sau cả chiều rải lưới, nửa đêm quây lưới, thì sớm tinh mơ kéo lên đến 30-40 tấn cá, toàn loại trên dưới 10kg/con, quẫy đạp ủng oảng. Cá nhiều đến nỗi, cả chục nhân công đánh vật cả buổi mới lôi hết được lên bờ.
Chuyện nhà ngoại cảm đi đánh cá cũng thật thú vị, nên tôi rất muốn nửa đêm chạy lên tận mắt cảnh kéo lưới mà mỗi mẻ được tới vài chục tấn cá nó thú vị như thế nào.
Trước đây, tôi lăn lộn Hồ Tây, viết loạt bài về ông Nguyễn Văn Tiến, thợ săn cá cao thủ của Công ty Hồ Tây, từng đánh bắt mỗi năm vài trăm tấn cá. Chỉ có ông mới tóm được bọn quái vật trắm đen đào ổ như ổ voi ở những khu mộ dưới đáy hồ. Chuyện đánh bắt cá ở Hồ Tây cũng thật lắm ly kỳ.
Ấy thế nhưng, nghe nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn kể đánh cá ở hồ Suối Hai, thì đúng là khó tin thật. Hồ Tây sâu có 1-2m, chỗ lổn nhổn đáy thì có ít ngôi mộ, còn hồ Suối Hai thì sâu đến 20 mét, dưới đáy toàn đá hộc, gốc cây cổ thụ, có cả quả đồi dưới đáy, thì không hiểu đánh cá kiểu gì. Hồ rộng tới 1.200 héc ta, rộng gấp 2,5 lần hồ Tây. Nhóm thợ cứ tuần kéo cá hai mẻ, mỗi mẻ lên vài chục tấn, năm vài ngàn tấn cá, thì đúng là không thể tin nổi.
Ấy thế nhưng, hôm lên được cá, thì tôi bận đi công tác, còn mấy lượt chờ điện thoại của Lê Trung Tuấn, hoặc phi từ Hà Nội lên lúc nửa đêm về sáng, thì đều tẽn tò, vì chẳng được con cá nào, bởi lưới toàn rách toang.
Theo anh Lê Trung Tuấn, anh đã thầu lại hồ Suối Hai, mua lại xí nghiệp đánh bắt thủy sản đã hoạt động 50 năm ở hồ nước này, rồi sử dụng phương pháp đánh cá hiện đại nhất thế giới, mới bắt nổi những con cá khủng ở hồ nước sâu hoắm này.
Anh phải sang tận Na Uy, gặp các chuyên gia đánh cá hàng đầu, rồi đặt những tay lưới có giá tới 5 tỷ đồng, mang về Việt Nam, để săn lùng cá ở hồ nước lớn nhất thủ đô này. Những tay lưới mà ngư dân Na Uy sử dụng, có thể kéo được cả cá voi to như cái tầu ngầm, thì những con cá măng, trắm, mè nặng vài chục kg, đâu có ý nghĩa gì.
Ấy thế nhưng, tay lưới khổng lồ, sợi lưới to như cái đũa, như cái dây điện, đan như võng để đánh cá to, sao lại rách toang hoác khi kéo lên, rồi vài chục tấn cá trong chớp mắt mất sạch, tung tăng tìm chỗ trốn dưới lòng hồ?
Là nhà ngoại cảm, nhưng Lê Trung Tuấn chả đổ cho ma quỷ, thánh thần Hà Bá nào. Anh đổ luôn cho... “cụ rùa” là thủ phạm. Lê Trung Tuấn kính cẩn gọi mấy “đối tượng” chuyên phá hoại lưới đánh cá là “cụ”.
Trước đây, tôi từng có loạt bài viết dài kỳ về những “cụ rùa” khổng lồ ở Hồ Gươm. 50-60 năm trước, hồ Gươm cũng có một xí nghiệp dịch vụ đánh cá. Hàng ngày, họ kéo cá ở các hồ ở Hà Nội. Và, kẻ thù không đội trời chung của đám công nhân kéo cá, chính là mấy con rùa.
Hôm nào giời nóng, các “cụ” chúi xuống bùn cho mát, lưới quét mặt bùn, thì được cá. Chứ các “cụ” bò lung tung trên mặt bùn, lưới kéo phải, thì các “cụ” nóng tiết cắn xé cho toang hoác. Lưới rách, cá không được, lại mất công vá, nên công nhân thù mấy con rùa to bằng cái nia lắm. Thế nên, mấy lần, rùa nhô đầu lên, mấy ông công nhân dùng đinh ba phóng lút lưng. Số phận đám rùa khổng lồ ở Hồ Gươm rất bi thảm, con giờ chỉ còn là bộ xương ở Bảo tàng Hà Nội, con thì nhồi bông trong tủ kính đền Ngọc Sơn.
Nghe chuyện rùa khổng lồ xé toang cả lưới đánh cá trị giá 5 tỷ đồng ở hồ Suối Hai, tôi thực sự ngạc nhiên, và chưa thể vội vàng tin đấy là sự thật.
Các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước, các cơ quan nghiên cứu về động vật, về loài bò sát, cho đến bây giờ, mới chỉ công nhận rằng, cả nước Việt Nam, chỉ còn duy nhất một cá thể “rùa Hồ Gươm” ở hồ Đồng Mô mà thôi.
Mấy năm trước, thì cả Việt Nam có 2 rùa Hồ Gươm, cả thế giới thì có 4 con, trong đó có 2 con ở Trung Quốc. Bản thân tôi cũng đã tìm đến tận Tô Châu (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc), thì đích xác là vẫn còn 2 con rùa ở trong một cái hồ nước sâu, rất đẹp trong khuôn viên một ngôi chùa to, cổ kính. Theo lịch sử kể lại, thì hai con rùa này có từ thời Minh, giờ nặng cả tạ. Chúng được mô phỏng đúng kích cỡ, hình dáng, bằng hai cái tượng đồng ngay bờ hồ, để khách tham quan nếu không có cơ hội chiêm bái, thì cũng nhìn thấy bức tượng mà tưởng tượng ra dáng hình của nó.
Cả thế giới có 4 cụ rùa khổng lồ mai mềm là chuyện của mấy năm trước, chứ thực ra bây giờ chỉ còn có 3, bởi cụ rùa Hồ Gươm, có lẽ là to nhất, đã qua đời. Xác cụ đang được cất giấu ở đâu đó, để các nhà khoa học, các bác sĩ, các thợ làm thú nhồi bông tìm cách bảo tồn dáng hình để sau này trưng bày, thờ tự, giữ hình hài ấy cho muôn đời sau.
[Phat hien chan dong: Rua Ho Guom khong lo rat nhieu o Ba Vi hinh anh 4]Con rùa mai mềm duy nhất ở hồ Đồng Mô.
Con rùa Hồ Gươm ở Đồng Mô, thì nổi tiếng ầm ĩ mấy năm trước, vì sổng ra sông Tích, và được người dân bắt lại. Cũng may mà chuyện nổi như cồn, nên chính quyền vào cuộc ngay, đem thả lại Đồng Mô. Các chuyên gia bảo tồn thì ngày đêm theo dõi, phục kích ở Đồng Mô, lúc nào cũng ống nhòm trước ngực, chỉ mong được nhìn thấy cái đầu với cái mũi nhọn nhô lên khỏi mặt nước sóng sánh. Công việc kèm theo là tuyên truyền để người đánh cá không tóm nó làm thịt, để người dân cung chung tay bảo tồn loài vật quý hiếm nhất hành tinh.
Quay lại chuyện nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn khẳng định hồ Suối Hai vẫn còn rùa Hồ Gươm khổng lồ, đây thực sự là một câu chuyện khó tin, nhưng nếu có thật, thì đúng là chấn động không chỉ đối với những người thần tượng cụ rùa Hồ Gươm linh thiêng, rơi nước mắt khi cụ chết trương phềnh, mà còn chấn động với những nhà nghiên cứu bò sát trên toàn thế giới. Hồ nước rộng mênh mông, sâu thăm thẳm, còn ẩn hiện những cụ rùa có thể xé một nhát rách toang tay lưới nhập khẩu 5 tỷ từ Na Uy, thì đúng là phải khổng lồ lắm.
Người xưa vùng ven sông Hồng mạn Phú Thọ, Yên Bái, hay gọi loài giải khổng lồ (tức rùa Hồ Gươm) là thuồng luồng, để dọa trẻ con không ra sông vày nước. Những con giải này to như cái nia, và sức mạnh của nó thì không loài vật nào trên cạn sánh được. Trâu mộng uống nước bờ sông, giải đớp một phát vào chân, kéo chìm nghỉm tuột luốt dưới đáy sông, thì đúng là cực khỏe. Người Yên Bái, bên hồ Minh Quang còn kể rằng, bắn mấy phát đạn vào lưng con giải 2 tạ rồi, buộc trâu mộng kéo nó về, thế mà nó vẫn đủ sức kéo xềnh xệch cả trâu mộng. Người ta phải táng nguyên cả băng đạn, rồi chém thêm mấy nhát vào đầu, lật ngửa nó lên, trâu mới kéo nổi.
Câu chuyện tay lưới liên tục bị xé rách toang khi kéo cá ở hồ Suối Hai, có liên quan hay không đến những con giải khổng lồ, loài rùa mai mềm, hay gọi một cách thân thương là “rùa Hồ Gươm”, thì còn phải nghiên cứu kỹ, phải có video và hình ảnh, nhưng quả thực, hồ Suối Hai từng là lãnh địa của loài rùa khổng lồ này.
Còn tiếp...