Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế sau khi Việt Nam liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm COVID-19 mới, sau 99 ngày không lây nhiễm trong cộng đồng.
- Tình hình sức khỏe các ca nhiễm COVID-19: Hiện có 3 ca nặng, 1 ca vẫn chạy ECMO
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phải nỗ lực cao nhất, không để có bệnh nhân COVID-19 tử vong
Thưa ông, Việt Nam có 15 ca nhiễm mới COVID-19 lây lan trong cộng đồng tại (Đà Nẵng và Quảng Ngãi), hiện vẫn mất dấu F0, theo ông nguyên nhân nào khiến COVID-19 bùng phát và lây lan trở lại ở Việt Nam. Liệu chúng ta có nguy cơ tiếp tục phải bước vào một đợt cách ly xã hội cả nước giống hồi tháng 3/2020 hay không?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Theo tôi, sau 99 ngày không có dịch trong cộng đồng lại xuất hiện 15 ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ F0 là một điều không vui, nhưng cũng không bất ngờ, vì dịch vẫn đang hoành hành nhiều nước trên thế giới.
Nguyên nhân bùng phát trở lại sau hơn 3 tháng chắc chắn là có sự lây lan từ nước ngoài vào.
Gần đây, có những người trở về từ các nước có dịch, một số khác lại xâm nhập vào nước ta một cách kín đáo, vượt qua hàng rào kiểm dịch của ngành y tế. Do đó khả năng có những người bệnh đi lại trong cộng đồng là rất cao.
Mặt khác, người dân cũng bắt đầu chủ quan mất cảnh giác với dịch bệnh, quên thói quen đeo khẩu trang và rửa tay với xà phòng. Việc cách ly xã hội toàn quốc một lần nữa còn phải chờ vào diễn biến dịch trong tuần này và tuần sau. Tuy nhiên, việc quyết định cách ly xã hội là do Chính phủ dựa trên sự hài hoà sức khoẻ cộng đồng và kinh tế nước nhà.
Vì chúng ta đang mất dấu F0, để truy vết và ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả, ta nên làm gì ngay lúc này ạ?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Lúc này chúng ta phải tầm soát các ca bệnh mới để kịp thời cách ly và bao vây ổ dịch. Rà soát những người tiếp xúc gần với ca bệnh và những người đã vào ra các bệnh viện có ca bệnh mới phát hiện để cách ly, xử lý kịp thời.
COVID-19 đang tiếp diễn và cán bộ y tế là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh nhất. Đặc biệt là những cán bộ không làm tại các khoa truyền nhiễm vì thế chúng ta cần có những biện pháp chủ động phòng dịch ngay tại các bệnh viện, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn ở cả nước.
Ngay khi có thông tin về các ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, các biện pháp phòng chống dịch được Bộ Y tế và Chính phủ thực hiện rất nhanh chóng, ta có thể tin tưởng giai đoạn 3 này dịch sẽ sớm được kiểm soát tại Việt Nam không ạ?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Chúng ta phải tin tưởng vào quyết tâm của Chính phủ và khả năng chuyên môn cao của ngành y tế về khống chế dịch. Hy vọng dịch sẽ sớm được kiểm soát.
Đà Nẵng là thành phố du lịch nổi tiếng, dịch bùng phát tại Đà Nẵng trong thời điểm hàng chục ngàn người đổ về đây du lịch, vậy nguy cơ virus lây lan rộng ra các tỉnh thành trong cả nước thì sao ạ?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Dịch hoàn toàn có nguy cơ lan ra các tỉnh khác theo dòng người du lịch. Đó là lý do tôi nhấn mạnh việc phải tầm soát các ca bệnh mới để kịp thời cách ly và bao vây ổ dịch.
Khi chúng ta chủ động ở các cấp, các địa phương, từ Chính phủ tới từng người dân thì khả năng kiểm soát khống chế dịch sẽ đạt được hiệu quả cao nhất
Vậy các địa phương khác nên làm gì để hạn chế dịch bệnh lây lan ngay lúc này ạ?
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Các địa phương nên thông báo rộng rãi trong cộng đồng, đến từng người dân về nguy cơ dịch. Cần lập danh sách và yêu cầu tất cả những người về từ Đà Nẵng biết khai báo y tế và tự cách ly, tự theo dõi. Cần cách ly ngay những người có sốt, ho để xét nghiệm.
Tôi rất mừng vì nhiều địa phương đã hành động rất nhanh chóng, kịp thời khi yêu cầu giám sát, cách ly những người đã đến/trở về từ Đà Nẵng trong thời gian gần đây. Đó là điều nên làm. Người dân nên tự cách ly và được y tế giám sát.
Những biện pháp phòng dịch, truy vết nguồn lây đang được thực hiện tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi và nhiều địa phương trong những ngày vừa qua là hoàn toàn phù hợp và kịp thời, đúng quy trình.
Với những người đã đến Đà Nẵng du lịch trong thời gian gần đây, ông có lời khuyên gì để họ chủ động phòng dịch bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng đúng cách ạ.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga: Những người đã đến Đà Nẵng du lịch, công tác... trong thời gian gần đây phải bình tĩnh, khai báo y tế qua mạng, tự cách ly để bảo vệ người thân trong gia đình.
Bạn cũng cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể và tình trạng sức khoẻ của mình. Thực hiện nghiêm túc quy định đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng. Khi có biểu hiện khác thường phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và xử lý kịp thời.