Ông Đinh La Thăng bị bắt

Xã hội 08/12/2017 22:01

Do liên quan hai vụ án cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế, ngày 8/12 ông Đinh La Thăng bị bắt, khởi tố.

Ngày 8/12, ông Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị) đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố bị can, tạm giam. Cùng ngày, ông Thăng bị Bộ Chính trị đình chỉ sinh hoạt Đảng, sinh hoạt cấp ủy (gồm cả sinh hoạt Ban chấp hành Trung ương).

Ông Đinh La Thăng bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo Điều 165 Bộ luật Hình sự.

Ông Đinh La Thăng bị bắt - Ảnh 1
Ôtô biển xanh đỗ trước khu nhà ông Đinh La Thăng. Ảnh: Phạm Dự.

Tối cùng ngày, lệnh khám xét nhà ông Thăng được thực thi. 18h45, một ôtô bảy chỗ biển xanh đi vào sảnh tòa chung cư ông Thăng ở tại khu đô thị Sông Đà (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ngay lập tức, một cánh cổng vào chung cư bị đóng và chỉ mở khi có ôtô ra vào. 19h15, cổng đóng hoàn toàn, điện tắt, nhiều công an mặc sắc phục đi vào. 

Phía ngoài có hơn 10 người đàn ông mặc thường phục đi lại quan sát. Khi có người đứng ở sảnh chung cư, những người này sẽ tới đề nghị đi ra chỗ khác.

"Tòa nhà đang có việc quan trọng, yêu cầu không tập trung đông người", một bảo vệ nói.

20h30, chiếc xe biển xanh rời đi, chở theo nhiều người. Các cảnh sát khu vực không còn túc trực ở khu vực cầu thang.

Ông Đinh La Thăng bị bắt - Ảnh 2
Cánh cổng vào khu chung cư được đóng lại khi cảnh sát thực thi lệnh khám nhà ông Thăng. Ảnh: Phạm Dự.

Trước đó trong chiều 8/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua "nghị quyết về việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội" với ông Đinh La Thăng.

Theo TTXVN, ông Đinh La Thăng liên quan đến hai vụ án kinh tế nghiêm trọng mà cơ quan công an đang điều tra. Đó là vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc góp vốn của PVN vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank) và vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tham ô tài sản xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí (PVC) liên quan Dự án Nhiệt điện Thái Bình II.

Ông Đinh La Thăng bị bắt - Ảnh 3
Ông Đinh La Thăng. Ảnh: CTV

Ông Đinh La Thăng, nguyên bộ trưởng Giao thông Vận tải, từng là Ủy viên Bộ Chính trị, một trong 19 người giữ vị trí cao nhất của Đảng. Hồi tháng 5, ông bị cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, đồng thời phải rời ghế Bí thư Thành ủy TP HCM sau quyết định kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Bảy tháng trước, ông được điều chuyển làm Phó ban Kinh tế Trung ương. Đây cũng là khoảng thời gian "kín tiếng" nhất kể của ông kể từ khi làm bộ trưởng.

Theo báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ngày 27/4, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2015 thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên dẫn đến nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, khó thu hồi với tổng số tiền rất lớn.

Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của PVN trong giai đoạn này.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra cho hay, ông Thăng đã ký ban hành Nghị quyết số 233 dẫn đến việc Ban tổng giám đốc Tập đoàn và các đơn vị thành viên chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật...

Cho rằng những khuyết điểm, vi phạm của ông Đinh La Thăng là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân", Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu với tỷ lệ 90% đồng ý kỷ luật cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII.

TIN MỚI NHẤT