Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cản mẹ nói việc đi giám định tâm thần

Xã hội 21/02/2019 09:59

"Đừng hỏi nữa, không nên. Đừng bắt người mẹ của Qua nói điều đó. Nếu nói để tôi, đừng để người mẹ của tôi...”, ông Vũ nói với luật sư sáng nay tại tòa.

Sáng 21/2, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ tranh chấp hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cà phê hòa tan Trung Nguyên).

"Cô Thảo về cũng góp sức nhưng tiền bạc thì không"

Tại phiên tòa sáng nay, luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ xét hỏi phía nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Tuy nhiên bà Thảo liên tục từ chối các câu hỏi vì cho rằng “vấn đề hôn nhân đã kết thúc" trong phần hỏi ngày hôm qua”.

Luật sư Trương Thị Hòa có nhắc đến đơn thuận tình ly hôn bà Thảo nộp nhưng không nhận được câu trả lời từ nguyên đơn. Luật sư giải thích là phía ông Vũ không hề nộp đơn này nhưng hồ sơ lại có. 

Tiếp tục hỏi ông Vũ, luật sư Hòa đề cập về các giai đoạn phát triển và triết lý kinh doanh của Trung Nguyên. Khi ông Vũ đang trình bày thì phía bà Thảo liên tục phản đối vì cho rằng nằm ngoài phạm vi xét xử. Chủ tọa nhắc nhở bị đơn đi vào làm rõ các vấn đề hôn nhân gia đình.

Luật sư giải thích câu hỏi là những vấn đề xoay quanh tranh chấp trong vụ án. Tiếp tục nói về nghĩa vụ xã hội của Trung Nguyên đóng góp, bà Thảo đứng dậy phản đối. Lúc này, ông Vũ nói: “Khởi xướng là tôi cả. Nói ra rất đau lòng, Qua không muốn nói”, ông Vũ nhìn về phía người vợ, nói rồi ngồi xuống.

Tiếp tục, luật sư xét hỏi bà Lê Thị Ước - mẹ của ông Vũ. Luật sư yêu cầu bà nhắc lại phần trả lời trong ngày hôm qua đã bị ông Vũ "chỉnh" vì không đúng. Theo đó, mẹ ông chủ Trung Nguyên nói bà Thảo về giúp Trung Nguyên năm 2015. Tuy nhiên, nay bà đính chính là từ 2006.

"Khi cô Thảo về cũng góp sức nhưng tiền bạc thì không", bà Ước khẳng định.

Bà trình bày Vũ sớm có mong muốn kinh doanh cà phê từ khi còn học Đại học nên đã bàn với gia đình bán nhà, vay mượn của bạn để kinh doanh. Chính điều này nên bà khẳng định bà Thảo hoàn toàn không có mặt trên hành trình thành lập Trung Nguyên.

"Lúc đó không biết cô Thảo là ai, 3 năm sau cô Thảo mới về”, bà Ước nói.

Luật sư tiếp tục hỏi về việc bà Thảo đưa ông Vũ đi giám định tâm thần. "Thảo đầu tiên đưa vào quận 3, ở đây nói Vũ mất năng lực hành vi dân sự. Chúng tôi đưa con đi giám định 2 nơi ở Bệnh viện Biên Hòa. Vũ ngồi trong, chúng tôi ngồi ngoài thấy nhiều bệnh nhân,…”, người mẹ trình bày. Lúc này ông Vũ quay xuống phía sau, gạt tay ra hiệu cho bà Ước không nói nữa.

"Thôi được rồi, không nói làm gì”, rồi ông hướng về phía luật sư yêu cầu không hỏi. Tuy nhiên người mẹ vẫn tiếp tục nói. “Nhưng cô Thảo vẫn tiếp tục đưa Vũ ra Hà Nội…Vợ chồng không còn tình cũng còn nghĩa”, bà trình bày, giọng ngậm ngùi.

Luật sư Hòa tiếp tục hỏi khi tòa án quận 3 nói thụ lý không đúng nên đình chỉ vụ án thì bà Thảo lại tiếp tục giám định nữa. Luật sư cho rằng cần làm rõ để thấy “nỗi đau khổ của người chồng khi người vợ nói chồng tầm thần”. Lúc này ông Vũ lại yều cầu phía luật sư ngừng, không hỏi về vấn đề này nữa.

"Đừng hỏi nữa, không nên. Đừng bắt người mẹ ú ớ nói điều đó. Nếu nói để tôi nói đừng để người mẹ của tôi. Không nên...”, ông Vũ ngồi, nói vào micro.

Bà Ước lúc này dường như không để ý đến lời nói của con trai, trình bày về việc bà Thảo hạn chế việc ông bà thăm cháu. Bà Thảo đứng dậy phản đối vì cho rằng "lời khai không đúng sự thật sẽ ảnh hưởng đến con”.

"Con Cao đã lớn, cần thiết cho nó ra tòa chứ không nên nói vậy”, vợ ông Vũ nói". 

"Mặc dù cho toà diễn ra thế nào nhưng không nên. Đừng hỏi nữa. Nghe qua đi”, ông Vũ nhắc nhở luật sư.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cản mẹ nói việc đi giám định tâm thần - Ảnh 1

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa sáng 21/2. Ảnh: Trương Khởi.

Luật sư: Đề nghị HĐXX chia theo tỷ lệ ông vũ 70%, bà Thảo 30%

Hôm qua (20/2), hai bên đương sự đã có những tranh cãi gay gắt xoay quanh yêu cầu ly hôn, phân chia tài sản.Về phía nguyên đơn, bà Thảo muốn nuôi dưỡng 4 đứa con chung, đề nghị ông Vũ cấp dưỡng cho mỗi cháu là 5% cổ phần của ông. Bà cho rằng suốt 6 năm qua ông Vũ không hề chăm lo cho gia đình. Khi lấy nhau, bị đơn rất nghèo, điều duy nhất ông Vũ có là ý chí.

Bà cũng chia sẻ bản thân luôn muốn hàn gắn. Trước khi quyết định đưa nhau ra tòa, trong 3 năm 3 tháng, bà không dưới 10 lần năn nỉ đưa giải pháp có thể để ông đồng ý trở về, gia đình có thể hàn gắn. Tuy nhiên bà đành bất lực.

"5 năm anh ở trên núi không quan tâm, điều hành gì, tôi lo lắng…Bản thân tôi là nạn nhân của rất nhiều vụ kiện. Nếu là tài sản chung của 2 vợ chồng thì không có chuyện anh nộp đơn kiện tôi tại Singapore hay các vụ khác”, nguyên đơn trình bày và cho rằng ông Vũ kiện rất nhiều thì không thể gọi là bảo vệ cho công ty, cho doanh nghiệp.

Đối đáp lại, ông Vũ trình bày ông không hề quan tâm đến tiền bạc dù tài sản thực tế lớn hơn rất nhiều so với những "bề nổi" tranh chấp. “Nhà này đâu thiếu tiền. Tôi sợ mỗi lời nói nói ra rất đau lòng. Toà tuyên xử thế nào không quan trọng, lương tri của mình là điều quan trọng. Mấy cháu làm sao thiếu tiền được”, ông Vũ nói với giọng bức xúc.

Trong quá trình nói trước tòa, ông Vũ nhiều lần cho rằng bà Thảo nói không đúng sự thật, có ý phá hoại Trung Nguyên. Ông khẳng định Trung Nguyên là của mình, người vợ không hề đóng góp trong hành trình phát triển của công ty.

Bị đơn cho rằng rất tôn trọng các con, tất cả mọi thứ ông có đều sẽ dành cho con. "Tôi từng nói với các con, bà nội của con 70 tuổi, ba cũng già, ở đây không ai cần tiền, chỉ có mẹ của con", ông trình bày tại tòa và cho biết không chỉ 5% mà ông sẽ cho con cái hết khi chúng trưởng thành.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ cản mẹ nói việc đi giám định tâm thần - Ảnh 2

Bà Thảo xúc động khi trình bày yêu cầu ly hôn với ông Vũ. Ảnh: Trương Khởi.

Cũng trong phiên tòa ngày 20/2, luật sư của hai bên tranh cãi gay gắt về yêu cầu phản tố của ông Vũ. Cụ thể, sau khi tòa án đã thụ lý thì phía ông Vũ có yêu cầu phản tố về tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, bất động sản ở quận 2, quận 9, các nơi khác,...

Sau đó, ông Vũ rút một phần yêu cầu phản tố nhưng do tòa án chưa ra quyết định nên bị đơn xem như vẫn giữ nguyên.

Tài sản tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả nguyên đơn và bị đơn thống nhất tranh chấp 13 trong số đó, vì những tài sản này đủ điều kiện pháp lý để tòa xử.

Hiện ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng; bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.

Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng, luật sư của ông Vũ nói phần ai quản lý thì người đó nhận, đề nghị HĐXX chia theo tỷ lệ ông vũ 70%, bà Thảo 30%.

Ngoài ra, đối với cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên gồm: Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty CP Cà phê Trung Nguyên, Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên, Công ty CP Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông, luật sư của ông Vũ đề nghị HĐXX chia theo tỷ lệ ông Vũ 70%, bà Thảo 30%. Theo đó, số tiền ông Vũ khoảng 3.958 tỷ, bà Thảo là 1.696 tỷ.

Vụ ly hôn của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên được tòa TP thụ lý từ tháng 11/2015. Gần 2 năm sau, vào tháng 8/2017, cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bảo vệ khối tài sản của ông Vũ và bà Thảo.

Sáng 14/9/2018, TAND TP.HCM tiếp tục tổ chức hòa giải để làm rõ việc thẩm định giá của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và tranh chấp xoay quanh vấn đề con cái. Tuy nhiên, bà Thảo lại không đến tòa nên những vấn đề này chưa đi đến thống nhất.

Ngày 22/10/2018, TAND TP.HCM ra quyết định tạm đình chỉ vụ án để thu thập thêm chứng cứ từ các cơn quan chức năng. Ngay sau đó, bà Thảo gửi đơn yêu cầu TAND Cấp cao hủy bỏ quyết định này.Trong 2 ngày 3 và 14/8/2018, tòa mở 2 phiên hòa giải. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Có ai mà đưa chồng vào nhà thương điên?

Ông Vũ nhấn mạnh tiền với quyền không để làm gì, khi dùng mọi thủ đoạn thì đã không còn nhân tính. "Có ai mà đưa chồng vào nhà thương điên", ông nói.

TIN MỚI NHẤT