Những ngày gần đây người người, nhà nhà đều tập trung đổ dồn về hiện tượng livestream Nguyễn Phương Hằng. Từ “bốc phốt” đến "chửi đổng" những nhân vật trong showbiz luôn là đề tài gây chú ý tới công chúng, kể cả ủng hộ lẫn phê phán.
- Nhiều giả thiết khi bà Phương Hằng rời Việt Nam: Hàng ngàn công nhân Đại Nam thất nghiệp, cả trăm trẻ em không được mổ tim, người nghèo sẽ thiệt thòi?
- ‘Giải mã’ lý do khiến chai Dr. Thanh được CEO Phương Hằng lăng xê nhiệt tình trong những livestream gần đây
Ngày 28/5 Bà Phương Hằng từng thông tin trên trang cá nhân: “Phương Hằng tôi rất xin lỗi, buổi livestream tối nay sẽ dừng lại, vì tôi bị bệnh hai hôm nay. Khi nào khỏi bệnh tôi sẽ thông báo để trực tuyến cùng quý vị”. Những tưởng cộng đồng mạng được một phen “sóng yên biển lặng” thế nhưng tối 31/5, nhân vật này tiếp tục lên sóng kể lể đủ mọi chuyện. Thiên hạ lại được dịp cất vào ngăn tủ những thần tượng ca sĩ, người mẫu, diễn viên để “hóng” về một “thần tượng” mới với bao hỉ nộ ái ố được mang ra diễn thuyết trong suốt mấy tiếng lên sóng.
“Xem nhân vật này livestream, con tôi học lớp 9 chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10 mải mê đến nỗi bỏ bê việc ôn tập online. Hôm đó thấy con đóng cửa phòng, nghĩ rằng cháu đang facetime cùng bạn bè để giải đề thi, ai ngờ đứng ngoài nghe thử thì tiếng chửi xa xả như tát vào mặt của vị doanh nhân này. Ban đầu tôi đinh ninh rằng con xem cho vui nhưng hôm sau rồi hôm sau nữa cháu cứ cắm mặt vào điện thoại rồi cười thích thú khiến tôi khá lo lắng” - một vị phụ huynh chia sẻ.
Chưa dừng lại ở đó, bạn N.Tùng (25 tuổi, quận 6) cho biết: “Mình cũng xem thử vì thấy vui vui nhưng càng xem nhiều lại càng “nghiện” lúc nào không hay. Giờ nào rảnh mình lại mang điện thoại ra xem. Cho đến hôm qua trong lúc trực một ca làm thêm, mình bị sếp nhắc nhở nếu còn gây ồn ào trong giờ làm việc và mất tập trung như thế thì cuối tháng tự xin nghỉ việc là vừa”.
Những ngày này cứ mở mạng Youtube lên sẽ tràn ngập những clip livestream do bà Phương Hằng làm chủ xị được cắt ghép, giật tít để câu view và thu hút lượng lớn người theo dõi. Những livestream nguyên bản thì tràn ngập những ngôn từ chửi rủa, bới móc, thậm chí gây ảnh hưởng tiêu cực cho người nghe.
Chị Trần Thu Nga (31 tuổi, bán tạp hóa) mệt mỏi khi hàng đêm hai đứa cháu cứ cầm điện thoại mở "loa" hết cỡ để xem cô Phương Hằng, từ mà các cháu dành gọi trìu mến cho vị nữ doanh nhân này. Khổ nhất là gia đình có người lớn tuổi, các cụ phải ngủ sớm nhưng cứ đến giờ “linh” thì giọng cô lại lảnh lót. Vì chiều con cháu nên các cụ không lên tiếng nhưng có vẻ cảm giác rất khó chịu. Chị quyết định sẽ tịch thu điện thoại của con nếu cứ tiếp tục thay những chương trình thiếu nhi bổ ích bằng việc tiếp thu những thói hư, tật xấu, từ ngữ dung tục mà bà Phương Hằng dùng trong livestream của mình.
Sở Thông tin và truyền thông từng làm việc với bà Nguyễn Phương Hằng và vị doanh nhân này đã cam kết không livestream trong tối 29/5 nhưng rồi mọi chuyện lại đâu vào đó. Mọi người đều hâm mộ bà về mảng kinh doanh, kiếm tiền giỏi và làm chủ cả một khu du lịch đồ sộ nên ngay cả người lớn, các bạn trẻ cũng "chen chân" giành suất chiếu để xem "cô Hằng".
Trần Bảo Toàn (sinh viên ngành Văn hóa học) bộc bạch: “Việc xem livestream sẽ khiến mọi người học theo những trào lưu được tạo ra trên mạng và coi đó là trend. Nếu tốt thì chẳng có gì phải bàn nhưng nếu tiêu cực sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý và cuộc sống hàng ngàn bạn trẻ. Nhiều em nhỏ bắt đầu dùng sai chính tả khi “quý zị”, “zui zẻ” được mang ra sử dụng và các em nhanh chóng học theo vì nghĩ là thời thượng, sành điệu”.
Cộng đồng có quyền quan tâm và xem những gì họ thích tuy nhiên nên chọn lọc những nội dung tích cực để theo dõi và học tập. Việc cắm mặt vào chiếc smartphone cổ xúy những buổi livestream vô bổ chẳng khác nào tiếp tay cho nội dung bẩn có cơ hội sống sót và phát triển rầm rộ trong thời gian tới. Phải chăng đến lúc chúng ta cần suy nghĩ lại?