“Lương 5 triệu đồng/tháng, bị tai nạn phải phẫu thuật nhiều lần, chi phí tốn kém. Đã thế, sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc người thân khiến tôi mặc cảm", công nhân 29 tuổi đau đáu.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Hòa Khánh, Phó Phòng quản lý chất lượng, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, số bệnh nhân bị tai nạn lao động chiếm 50% trong tổng số bệnh nhân đang điều trị tại khoa Vi phẫu.
Nhiều công nhân gặp nạn đang ở tuổi từ 20-40. Họ thường bị máy cán, ép ở các nhà xưởng sản xuất giấy nghiền nát bàn tay. Khi điều trị, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt các ngón tay bị hoại tử của bệnh nhân.
“Mặc dù đã được nói trước, nhưng mổ xong, thấy cơ thể bị mất đi một phần thịt xương, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc tâm lý”, bác sĩ Khánh nói.
Như trường hợp của anh Hoàng Văn Tình, 29 tuổi, quê ở Lạng Sơn. Ngày 11/4, bệnh nhân được chuyển cấp cứu từ một bệnh viện ở Đồng Nai lên. Công nhân này làm việc tại một nhà máy giấy và không may bị máy in bìa carton nghiền nát bàn tay phải.
Các bác sĩ buộc phải cắt bỏ các lớp da và 4 ngón tay bị dập nát, đang hoại tử, để tránh nhiễm trùng cho người bệnh. Theo bác sĩ điều trị, do cấu trúc bàn tay phức tạp nên bước đầu phải cắt bỏ hết các lớp da, mô dưới da, gân duỗi, xương... bị hư.
Sau phẫu thuật, các bác sĩ phải điều trị chống nhiễm trùng cho người bệnh. Thường một bệnh nhân bị tai nạn lao động do máy dập, ép sẽ bị hư da, dây thần kinh mạch máu, các bác sĩ phải cắt bỏ phần hư để tái tạo lại.
“Riêng việc tái tạo da, bệnh nhân phải chịu phẫu thuật 2-3 lần”, bác sĩ Khánh chia sẻ. Theo bác sĩ điều trị, khi lấy da bụng hay bẹn để ghép, phẫu thuật viên phải lọc mỡ, cho chất liệu mềm như da tay.
Tay bệnh nhân muốn co duỗi lại được, các bác sĩ phải tái tạo lại gân, dây thần kinh. Để tái tạo những bộ phận này, bác sĩ phải lấy ở nơi khác trên cơ thể bệnh nhân ghép vào, mới trả lại chức năng cho tay.
Dù bệnh nhân phải trải qua rất nhiều đợt phẫu thuật tái tạo phần mô bị mất, thời gian kéo dài cả tháng nhưng di chứng tai nạn để lại rất nặng nề. Tay bệnh nhân rất khó hồi phục và không thể co duỗi tay như bình thường.
Anh Tình cho biết khi buộc phải cắt các ngón tay bị hoại tử anh rất sốc. Đang khỏe mạnh, tự nhiên mất đi bàn tay khiến anh khủng hoảng tâm lý trầm trọng.
Mất bàn tay phải, khiến anh Tình làm việc gì cũng khó. Trước đây, việc mặc chiếc áo chỉ vài giây, giờ chỉ còn bàn tay trái nên nam công nhân luống cuống trong sinh hoạt.
“Lương của tôi chỉ 5 triệu đồng/tháng, bị tai nạn, phải phẫu thuật nhiều lần, chi phí rất tốn kém. Đã thế, sinh hoạt cá nhân phải phụ thuộc vào người thân, khiến tôi rất mặc cảm và hối hận”, nam công nhân đau đớn nói.
Mặc cảm với cơ thể khiếm khuyết, anh Tình buồn bã: “Với thể trạng hiện nay, tôi rất khó tìm được người phụ nữ chấp nhận mình”.
Anh Lưu Văn Đông (40 tuổi, ở Bình Dương), công nhân sản xuất giấy in cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nam công nhân bị băng chuyền làm giấy cuốn vào, khiến mu bàn tay bị dập hết da, gân.
Bệnh nhân đang được các bác sĩ điều trị hết nhiễm trùng để đắp da. Gần một tháng nằm viện, vợ anh phải nghỉ làm để chăm chồng. Vết thương vốn đã đau, giờ thấy con cái bơ vơ khiến nam công nhân thêm phần lo toan. Gánh nặng kinh tế gia đình đè lên vai vợ bệnh nhân.
Theo Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, để tránh bị tai nạn, các công ty, xí nghiệp phải đào tạo và cảnh báo hậu quả cho người lao động trước khi đưa họ vào dây chuyền sản xuất. Nhiều công nhân bị tai nạn vào đây nói họ không được đào tạo. Khi gặp nạn người lao động phải chịu hậu quả rất nặng nề. Bệnh nhân tốn nhiều chi phí và thời gian điều trị.