Nghỉ học từ năm lớp 9, lần lượt mất hai tay..., những biến cố đó không quật ngã được Nguyễn Ngọc Nhứt (SN 1998). Anh đã mạnh mẽ vượt qua bi kịch đời mình nhờ sự kiên cường, bền bỉ.
- Quảng Nam: Hai xe máy đối đầu nhau, mẹ tử vong tại chỗ, con bị thương nặng
- Quá khổ nên mẹ để con lại rồi rời đi, 50 năm sau đi tìm và phút lướt qua nhau nhói lòng
"Ba ơi! con đau quá"
Nằm trong phòng bệnh, Nguyễn Ngọc Nhứt (SN 1998) thều thào bên tai ba. Nhìn thấy con trai đau đớn, người đàn ông có mái tóc hoa râm đã rơi nước mắt. Đó là lần đầu tiên ông khóc trước mặt con. Nhiều năm trôi đi, những kí ức trong Nhứt vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua...
Nguyễn Ngọc Nhứt sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn. 15 tuổi, anh bỏ học để theo nghề hàn cửa sắt. Trong một lần làm công trình, Nhứt rút cây sắt và vô tình đụng trúng đường dây điện trung thế, anh bị giật mạnh đến mức ngã từ mái nhà xuống đất. Những người xung quanh tức tốc đưa Nhứt vào bệnh viện.
"Lúc bác sĩ thông báo rằng phải bỏ tay trái, cả gia đình như sụp đổ tinh thần. Ba má không ngờ tình trạng tôi lại nghiêm trọng đến như thế. Suốt 2 tháng nằm viện, tôi trải qua muôn vàn đớn đau. Có lúc, tôi muốn ba nói với bác sĩ rằng có thể tiêm thuốc cho mình ngủ một chút được không vì thức hoài tôi sẽ chịu không nổi. Ba lặng lẽ khóc sau câu nói đó...
Rồi tay phải của tôi cũng không giữ được, bác sĩ nói rằng phải cắt bỏ vì đã hoại tử. Bạn có thể tưởng tượng được không, từ chàng thanh niên khỏe mạnh, tôi trở thành một người "không tay". Tôi chẳng thể tự mình ăn cơm, không thể rót nước, cũng chẳng bước xuống giường được.
15 tuổi, tôi quyết định nghỉ học chỉ để phụ giúp gia đình. Ấy vậy mà vì biến cố tôi lại trở thành gánh nặng. Sau 3 tháng điều trị bệnh về nhà, tôi khép mình trong thế giới riêng, vừa buồn, vừa tủi, vừa bế tắc", Nhứt tâm sự.
Thời gian dần xoa dịu vết thương trong lòng, anh bắt đầu lắng nghe lời động viên từ mọi người xung quanh. "Nhứt cố lên", "Nhứt đừng bỏ cuộc", "Nhứt ráng nhé!"... Sau cùng, Nhứt quyết định trở lại trường học.
Năm 20 tuổi, anh bắt đầu bước vào cấp 3 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên. "Do nghỉ học quá lâu, kiến thức của tôi như bị "chôn vùi".
Tôi bắt đầu tìm lại những công thức Toán học, mày mò, nghiên cứu và làm bài tập. Ban đầu, tôi vẫn tủi thân chứ, nhưng nhìn những sợi bạc trên mái tóc ba má, tôi biết mình cần phải bước đi tiếp. Ông bà đã có một cuộc đời vất vả, tôi không thể bỏ cuộc được. Và bạn biết không, tôi là người duy nhất trong nhà học đến hết cấp 3", Nhứt nói.
Ngày nhận tin trúng tuyển Đại học, cả gia đình mừng đến rơi nước mắt. Mẹ nghẹn ngào động viên: "Chỉ cần con học, cực khổ cỡ nào mẹ cũng lo được".
Niềm vui sống mỗi ngày
Từ Cần Thơ, Nhứt một mình lên TP.HCM nhập học trường Đại học Công nghệ Hutech. Để tiết kiệm chi phí, Nhứt đã lang thang khắp khu vực TP. Thủ Đức để tìm nhà trọ giá rẻ.
Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã trở thành sinh viên năm 2 ngành Marketing. Anh chia sẻ: "Quê tôi ở Cần Thơ nhưng tôi vẫn chọn cách lặn lội lên Sài Gòn để học. Tôi biết rằng nếu ở gần, ba má sẽ không bao giờ ngừng lo lắng, đến chăm sóc tôi.
Tôi muốn rằng tự thân mình có thể làm tất cả, tự kiếm trọ, tự lo một phần chi phí, tự tìm chỗ học ngoại ngữ... Đó cũng là một cách để tôi trưởng thành hơn. Mỗi lần tôi gục ngã, gia đình là điểm tựa để tôi đứng dậy và tiếp tục bước đi".
Từ một cậu bé bỏ học, Nhứt đã trở thành sinh viên năm 2. Từ một chàng trai bị mất đi đôi tay, Nhứt giờ đây có thể gõ phím từ những đốt xương còn sót lại, nấu ăn, đến trường... Đối với anh, cuộc đời là một hành trình dài có nước mắt lẫn tiếng cười, có hạnh phúc lẫn bi kịch.
Dẫu đôi lúc, Nhứt như bị nỗi tuyệt vọng nhấn chìm nhưng anh đã tìm cách vực dậy bản thân, tự cho mình niềm vui sống mỗi ngày. "Cú ngã từ mái nhà xuống đã làm tôi đau đến bất tỉnh, nhưng nhờ vậy, tôi mới còn sống. Vì nếu không ngã, tôi vẫn bị điện từ đường dây truyền vào người. Mỗi lần muốn bỏ cuộc, tôi lại tự động viên rằng mình còn may mắn lắm.
Mình không chết đi sau tai nạn đã là một điều may mắn, mất đi đôi tay, mình còn đôi chân. Tôi có thể học tập, lao động và có cuộc sống bình thường như bao người. Tôi học cách yêu lấy cơ thể mà mẹ cha ban tặng", Nhứt nói.
Để lan tỏa sự tích cực đến với mọi người, Nhứt đã thành lập kênh TikTok Chàng cụt yêu đời. Đi qua nỗi đớn đau năm nào, "chàng cụt" giờ đây đã tràn đầy năng lượng sống tích cực, sống có ích.