Sau gần 100 giờ giải cứu với hơn 350 người làm việc xuyên đêm để cứu hộ bé trai lọt trụ bê tông sâu 35m ở huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Chỉ đáng tiếc mọi nỗ lực đã không mang lại phép màu.
- Thay đổi biện pháp cứu hộ bé trai 10 tuổi lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: 'Dù em bé đã tử vong nhưng vẫn phải nhanh chóng đưa thi thể em lên để lo tang sự'
- Thông tin MỚI vụ bé trai 10 tuổi bị lọt hố bê tông ở Đồng Tháp: Tiếp tục thay đổi phương án cứu nạn vì đất chặt
Trước đó như báo VTC News đưa tin, khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt.
Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Phát hiện sự việc, các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.
Thông tin từ báo Dân Trí cho biết thêm, ngay sau khi sự việc được phát hiện đến chiều tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã huy động nhân lực cùng nhiều phương tiện kỹ thuật để lên phương án giải cứu cháu bé. Tuy nhiên sau 10 phút bé rơi xuống trụ bê tông, lực lượng cứu hộ đã không còn nghe tiếng cầu cứu của bé.
Lực lượng cứu hộ được huy động với nhiều trang thiết bị, máy móc cỡ lớn đến hiện trường để tham gia ứng cứu.
Sau khi dùng phương án khoan cọc nhồi không khả thi, lực lượng cứu hỗ chuyển qua dùng khoan guồng xoắn để làm tơi rã phần đất sét cứng xung quanh cọc bê tông. Chiều 2/1, các chiến sĩ công binh Quân khu 9 được điều động tới hiện trường cùng nhiều trang thiết bị như: máy khoan cắt bê tông, máy soi chiếu để hỗ trợ việc giải cứu.
Rạng sáng ngày 3/1, ống thép có đường kính 1,5m, ống vách có chiều dài 19m được đóng bao quanh trụ bê tông.
Sau 3 ngày tiến hành giải cứu cháu bé, lực lượng cứu hộ đã huy động khoảng 350 người, trong đó có 90 người tham gia trực tiếp giải cứu bên trong. Sử dụng 2 cần cẩu, 4 máy đào, 5 xà lan, 1 giàn cọc khoan nhồi, 1 giàn khoan guồng xoắn, 1 thiết bị xói hút bùn, 1 máy khoan phụt bằng tia nước áp lực cao, 2 giàn khoan địa chất và các máy móc phụ trợ.
Ống trụ bê tông nơi cháu bé lọt xuống và mắc kẹt bên dưới đã được ốp ống thép xung quanh, đơn vị giải cứu nạp oxy liên tục vào miệng hố bằng máy bơm cùng dây truyền khí dài khoảng 40m.
Một máy khoan phụt bằng tia nước áp lực cao của Công ty Thủy lợi II được đưa đến hiện trường giải cứu bé trai. Tuy nhiên, phương án này không mang lại kết quả như mong đợi nên đã tạm dừng sử dụng.
Hiện tại, phương án dùng khoan guồng xoắn vẫn được duy trì để phá vỡ lớp đất sét cứng quanh trụ bê tông.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, phương pháp khoan guồng xoắn hiện đang tối ưu và hiệu quả nhất nên được tập trung sử dụng xuyên ngày đêm để tăng nhanh tiến độ giải cứu.
Đến ngày thứ 4, nhiều phương tiện kỹ thuật khác cũng được đưa tới hiện trường, nhân lực được chia ra thành nhiều ekip và thay ca nhau làm việc liên tục không nghỉ trong suốt gần 100 giờ qua.
Trải qua gần 100 giờ đồng hồ kể từ khi chiến dịch giải cứu bé trai kẹt dưới ống trụ bê tông bắt đầu. Với hi vọng điều kỳ tích sẽ xảy ra và cháu bé có thể được đưa lên mặt đất an toàn.
Tuy nhiên, đến 18h30 cùng ngày, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp xác nhận với báo chí, cháu Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi vào ống cọc có độ sâu, bị kẹt trong thời gian dài qua 4 ngày, bị thiếu khí, chấn thương nên không qua khỏi.