Để đảm bảo an toàn cho cả gia đình, nhiều người ở vùng cực Nam Tổ quốc đã di chuyển sang các tỉnh khác hoặc lên Sài Gòn tránh bão Tembin.
Tối 25/12, xã Đất Mũi , ông Trần Công Trường, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau), cho biết hơn 3.000 người dân của 751 gia đình trong kế hoạch sơ tán đã đến những nơi an toàn là trụ sở cơ quan, trạm y tế, trường học và nhà dân được xây dựng kiên cố.
"Ngoài con số trên, Đất Mũi còn có khoảng 1.000 người tự sơ tán vì bà con có nhà ở kiên cố nhưng vẫn không an tâm", ông Trường nói.
Chạy về ruộng hoặc lên Sài Gòn
Cùng con trai ở lại chợ Đất Mũi để trông giữ tài sản, ông Nguyễn Thành Công (59 tuổi) cho biết một ngày trước, khi hay tin bão số 16 - Tembin vào Biển Đông, ông đang mua nghêu giống ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã vội về nhà.
Dù gia đình có nhà xây dựng kiên cố nhưng ông Công vẫn không an tâm cho vợ, con với các cháu nên đã cho mọi người sơ tán về quê ở xã Phong Thạnh Đông, thị xã Giá Rai (Bạc Liêu).
"Gia đình có 8 người lớn và 3 trẻ nhỏ thì các cháu đã về trong ruộng với 5 người. Tôi với con trai ở lại Đất Mũi để giữ nhà, con dâu nếu không trực ở trạm y tế thì cũng về quê rồi. Ở đây có rất nhiều người sơ tán sang các tỉnh xa biển, nhà nào khá giả thì thuê xe đi TP.HCM để tránh bão cho an toàn", ông Công nói.
Trưa cùng ngày, anh Danh Duy Cảnh, công an viên xã Long Điền Tây (huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cùng đồng nghiệp đến tận nhà dân để đưa những người cuối cùng trong vùng ảnh hưởng của bão đến nơi an toàn. Hàng chục chiếc xe ngược xuôi Gành Hào - Giá Rai để đưa trên 53.000 người dân của huyện ven biển Đông Hải đến nơi tránh bão.
"Nhiều chủ doanh nghiệp đã đóng cửa công ty để đi Sài Gòn tránh bão dù nhà của họ xây dựng kiên cố. Người nào càng có nhiều tài sản thì họ càng sợ bão nên muốn đến nơi an toàn nhất", anh công an viên trẻ tuổi nói.
Cà Mau, Bạc Liêu sơ tán trên 180.000 người
Trao đổi với Zing.vn tối 25/12, ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết các huyện, thành phố ven biển đã sơ tán khoảng 124.000 người. Trong đó, 83.000 người sơ tán tại chỗ từ nhà tạm bợ sang kiên cố, còn lại di chuyển đến các cơ sở tập trung.
Theo Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai, địa phương này đã sơ tán được trên 55.600 người. Hiện, Cà Mau lo sợ bão đổ bộ vào đất liền sẽ ảnh hưởng đến các huyện ven biển Đông là Năm Căn, Ngọc Hiển và Đầm Dơi.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý từ nay đến chiều 26/12, khi bão đi qua cần chú ý hoàn lưu bão nên phải theo dõi sát sao để kịp thời hướng dẫn các hoạt động kinh tế và đời sống. Bão qua không vội cho tàu bè ra khơi mà cần có theo dõi kỹ càng để thông tin cảnh báo, hướng dẫn.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Cà Mau trong việc ứng phó bão số 16 với nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Cường độ có giảm, hướng bão có sự điều chỉnh, nhưng bão không qua khỏi các tỉnh trong khu vực đã dự báo. Dù tâm bão không trực tiếp vào nhưng sẽ ảnh hưởng rất lớn do đó không thể chủ quan.
Phó thủ tướng đề nghị tiếp tục quyết liệt, tập trung và không chủ quan, luôn chủ động trong phòng chống, tránh tình trạng như vừa qua một số địa phương bị động, bất ngờ.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Cà Mau và các tỉnh ảnh hưởng bão số 16 - Tembin phải rà soát lại công tác bảo vệ các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, công sở trước giờ bão vào...
"Bão vào ban đêm nên đây là điều rất cần. Tiếp tục theo dõi kỹ diễn biến và hậu của bão như thế nào. Cà mau nói riêng cũng như các tỉnh thành khác cần nhanh chóng khắc phục hậu quả, nhất là đảm bảo an toàn cho người dân sau bão", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.