Ngoài cơm cháy, bà Nguyễn Thị Bích Liên đã ăn lá cây dương xỉ và củ lạc tiên, chắt lọc nước để sinh tồn trong suốt 7 ngày dưới vực sâu ở Yên Tử. Tuy nhiên, điều này có thật sự tốt?
- Lời kể của người phụ nữ sống sót kỳ diệu sau 7 ngày rơi xuống vực sâu ở Yên Tử
- Người phụ nữ Hà Nội sống sót thần kỳ sau 7 ngày ngã xuống vực sâu ở núi Yên Tử
Liên quan đến vụ bà Nguyễn Thị Bích Liên (Hà Nội) sống sót thần kỳ trong 7 ngày khi rơi xướng vực ở Yên Tử, theo VTC News, bà Liên cho biết trong 7 ngày, lúc đói, lúc khát bà Liên chỉ có thể cầm cự bằng cách chia nhỏ gói cơm cháy ăn dần và chai nước mang theo bên người.
"Có chai nước mỗi ngày cứ chia ra uống, ăn thì tôi ăn lá dương xỉ với củ lạc tiên. Đọc qua Đông y cũng biết dương xỉ làm được mà loại cây này sống cả triệu năm rồi nên cứ thử ăn xem sao. Ăn xong cũng lấy củ lạc tiên đắp vào những vết thương ở chân tay, nó dịu hẳn đi, cũng đỡ hơn. Sau 2 – 3 ngày, số nước sạch trong chai hết, nên tôi phải bới rác để tìm các chai nước họ vứt đi để uống" - người phụ nữ 60 tuổi nhớ lại.
Liên quan dến 2 loại cây này, theo Tổ Quốc, ngày 4/5, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông Y Hà Nội cho biết, hai loại cây dương xỉ và củ lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không độc, người dân có thể ăn bình thường. Đặc biệt, lạc tiên chứa chất an thần, giúp tinh thần đỡ bị hoảng loạn.
Theo lời bà Liên, để làm dịu các vết trầy xước, bà đã nhai lá dương xỉ rồi đắp lên các vết thương. Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, dương xỉ vẫn được sử dụng làm thuốc trong Đông y.
"Tuy nhiên, để sống sót, quan trọng nhất vẫn là nguồn nước. Trên thực tế con người có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn uống quá 3-4 ngày. Người phụ nữ đã đào bới rác, biết cách tìm nước để duy trì sự sống" - ông Vũ Quốc Trung nói.
Theo vị này, nếu không may rơi vào hoàn cảnh như bà Liên, đầu tiên người dân cần bình tĩnh, không hoang mang, từ đó tìm hướng xử lý. Nếu ở trong rừng, những cây cỏ dại ven đường đều có thể là thực phẩm. Để phân biệt "cây có độc" và "không có độc", người dân có thể ăn cây lá từng chút một. Nếu nhai mà không có vị đắng, không có mùi khó chịu, thì an toàn.
Theo các nghiên cứu, dương xỉ thuộc nhóm thực vật không có hoa và hạt, sinh sản thông qua bào tử. Dương xỉ khá phong phú về giống loài, một số giống dương xỉ thực sự có thể ăn được và khá phổ biến ở châu Á. Do khả năng sinh sản thông qua bào tử, loài cây này yêu cầu môi trường sống ẩm ướt và nhiều cây gỗ, nơi cây có thể phát triển tối ưu. Tuy nhiên, cũng có một số giống dương xỉ có thể phát triển trong điều kiện sa mạc và thậm chí cả đá.
Còn về lạc tiên, theo Y học cổ truyền là loại cây có tác dụng an thần, giải nhiệt, mát gan, trị mất ngủ, ngủ hay mơ, suy nhược thần kinh, tim hồi hộp. Củ lạc tiên có hình tròn màu xanh, khi chín thì sẽ chuyển sang màu vàng. Vỏ củ rất mỏng, bên trong có nhiều hạt nhỏ và có dịch quả.