28 năm mất tích, bà Nguyễn Thị Biên may mắn trở về nhà nhờ những người xa lạ giúp đỡ và lời kêu gọi trên mạng xã hội.
- 28 năm thắp hương, làm giỗ, cha bất ngờ khi con gái mất tích trở về
- Sự thật bất ngờ vụ tài xế Grab mượn xe máy của bạn rồi mất tích bí ẩn
Lời kêu gọi trên mạng xã hội
Trở về nhà sau thời gian dài mất tích, bà Nguyễn Thị Biên (SN 1968, xã Đông Lỗ, Hiệp Hòa, Bắc Giang) dần dần hòa nhập với cuộc sống. Bà kể lại thời điểm rời khỏi nhà bằng những ký ức không còn nguyên vẹn:
‘Năm đó (1991), tôi được một người đàn ông tên Quang hẹn ra đường lớn, đưa đi làm ăn xa. Tôi và người này bắt xe khách xuống Hà Nội, sau đó đổi xe, tiếp tục đi lên một tỉnh giáp biên giới Trung Quốc.
Tôi không còn nhớ rõ là tỉnh nào, chỉ nhớ người tên Quang và tôi đi bộ vào khu vực có hàng rào phân cách hai nước, rồi trèo sang.
Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào lãnh thổ Trung Quốc, trèo đèo, lội suối mất 2 ngày. Đến một nhà dân, Quang bảo tôi ở lại rồi biến mất’.
Theo lời bà Biên, sống giữa những người lạ, không biết tiếng Trung Quốc, bà sợ hãi nhưng không dám bỏ trốn vì không biết đường.
‘Gia đình đã mua tôi ở Trung Quốc làm nông nghiệp, có 7 thành viên, gồm 2 ông bà chủ và 5 người con. Hàng ngày tôi đi cấy cho họ. Trời nắng rát, trời lạnh buốt căm căm tôi vẫn lên nương.
Hôm nào tôi mệt, nghỉ ở nhà, họ khóa trái cửa lại, sợ tôi bỏ trốn. Họ không bạo hành nhưng nếu tôi có ý định bỏ trốn, họ sẽ đánh’, bà tiếp tục kể.
Sang đó một thời gian, bà Biên bắt đầu học tiếng của họ. Hiện, bà vẫn nói được một ít tiếng Trung Quốc. ‘Cuộc sống bên đó buồn, tôi nhớ gia đình cũng chỉ biết khóc’, người đàn bà sinh năm 1968 nhớ lại.
Vài tháng trước, công an Trung Quốc mở đợt truy quét những người nhập cư bất hợp pháp. Không có giấy tờ tùy thân, bà Biên bị trục xuất về Việt Nam.
‘Tôi vẫn nhớ mang máng quê hương và cha nên nhờ người hỏi giúp....’.
Khi lang thang ở địa phận tỉnh Lạng Sơn, bà Biên gặp một thanh niên. Người thanh niên này hỏi chuyện, bà Biên viết địa chỉ quê quán của mình vào tờ giấy.
‘Thôn Hưng Đạo, xã Đông Lỗ, tỉnh Hà Bắc’ là địa chỉ nhà bà ghi cho người thanh niên đó. Thật bất ngờ, người thanh niên ấy lại cùng xã với bà. Sau đó, anh quay video và phát trực tiếp trên Facebook để kêu gọi tìm gia đình cho bà.
Ông Trần Văn Sơn, Phó trưởng Công an xã Đông Lỗ, chia sẻ: ‘Khoảng 21 giờ đêm cuối tháng 7/2019, tôi thấy một người livestream trên Facebook kêu gọi tìm gia đình cho một phụ nữ mất tích. 5h30 sáng hôm sau, tôi gọi điện cho người đó và biết đúng là người địa phương.
Thanh niên này nói: ‘Cháu gặp cô (Nguyễn Thị Biên), thấy cô nói không rõ ràng nhưng khẳng định là người thôn Hưng Đạo, mất tích nhiều năm nay nên kêu gọi giúp cô tìm gia đình’.
Người thanh niên này cũng chia sẻ với ông Sơn, khi anh đăng lên mạng xã hội, rất nhiều người nhận bà Biên là người nhà, xin gặp nhưng anh không tin tưởng. Anh thuê phòng trọ cho bà Biên và thuê xe ô tô đưa về ủy ban xã Đông Lỗ.
Cuộc trở về sau gần 30 năm
Sáng ngày 2/8, tại UBND xã Đông Lỗ, các cơ quan chức năng địa phương đã làm thủ tục tiếp nhận bà Nguyễn Thị Biên trở về quê hương sau 28 năm mất tích.
Đại diện chính quyền xã đã liên lạc với gia đình nạn nhân để đưa bà Biên trở về sinh sống, hòa nhập với gia đình.
Nguyễn Văn Bình, Trưởng Công an xã Đông Lỗ cho biết: ‘Lúc mới về, tình trạng của bà Biên không tốt lắm. Có thể nguyên nhân là do bị đưa đến một nơi ngôn ngữ bất đồng, bị tuyệt giao với những người hàng xóm xung quanh trong thời gian kéo dài hàng chục năm’.
Sau những giây phút gặp lại mừng tủi, bà Biên trở về sống với cha là cụ Nguyễn Văn Nhòm và gia đình người anh cả. Gia đình cụ Nhòm thuộc hộ cận nghèo, kinh tế thuần nông.
Bà được giới thiệu đi làm tại một công ty gia công túi, cách nhà không xa. Công việc sáng đi chiều về, lương ăn theo sản phẩm, năng suất. Khi chúng tôi đến công ty, bà Biên đang làm việc tại xưởng cùng các nữ công nhân khác.
‘Tôi làm công việc này cảm thấy vui. Sức khỏe tôi tốt hơn, ăn uống được hơn so với ngày mới về nhà’, bà nói.
Những người làm việc ở công ty cho biết, bà Biên hiện không còn minh mẫn và thường nhớ nhớ quên quên. ‘Ai hỏi bà bao nhiêu tuổi, bà cũng chỉ trả lời: ‘Tôi mới 24 tuổi thôi’, chị Đảm, quản lý tại công ty, cho biết.
‘Bà Biên ít nói chuyện với mọi người, người khác hỏi gì bà mới trả lời tuy nhiên bà làm việc khá nhanh, chỉ hướng dẫn 1, 2 lần là có thể làm được. Ngoài ra bà cũng rất chăm chỉ, chịu khó trong công việc’, chị nói thêm.
Buổi chiều, bà Biên tiếp tục công việc tại xưởng. Sau đó, bà về nhà - nơi có người cha năm nay đã ngoài 80 tuổi và các em để cơm nước, chuẩn bị bữa tối cho gia đình.