Người dân 'loay hoay' cài sinh trắc học để chuyển tiền: Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, vô cùng tinh vi

Xã hội 03/07/2024 15:08

Những người này liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Theo thông tin từ Tiền Phong, sau nhiều lần tự thực hiện xác thực sinh trắc học không thành trên điện thoại, trong ngày 2/7, rất đông khách hàng đổ về các phòng giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ. Không lâu sau khi phòng giao dịch ngân hàng BIDV Vũ Trọng Phụng (Hà Nội) mở cửa, toàn bộ các băng ghế chờ, quầy dịch vụ kín khách. Đoạn phố ngắn quanh các chung cư gần đó tập trung nhiều ngân hàng, chỗ nào cũng đông khách từ sớm.

Phần lớn người tới ngân hàng là cập nhật sinh trắc học, trong đó có nhiều người lớn tuổi. Theo nhân viên ngân hàng, trục trặc xảy ra chủ yếu ở bước quét NFC (kết nối không dây trong phạm vi ngắn), hay khó khăn liên quan chứng minh thư cũ và căn cước công dân mới.

Người dân 'loay hoay' cài sinh trắc học để chuyển tiền: Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, vô cùng tinh vi - Ảnh 1
Người dân xếp hàng chờ cài đặt sinh trắc học tại ngân hàng - Ảnh: Tiền Phong

Bà Nguyễn Tuyết Mai (70 tuổi, cán bộ hưu trí) cho biết, đây là lần thứ 2 bà quay lại ngân hàng để cài đặt tính năng xác thực sinh trắc học, hôm qua chưa thực hiện được do phòng giao dịch quá đông. Rút kinh nghiệm, lần này bà Mai ra đợi từ sớm, trước giờ mở cửa, nên chỉ mất 5 phút là hoàn thành. Trong khi đó, cả tuần trước, bà và gia đình loay hoay, liên hệ tổng đài, làm theo hướng dẫn vẫn không thành công.

Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện xác thực sinh trắc học chưa hạ nhiệt. Người dùng liên tục kể khổ với việc ngày đêm phải canh ứng dụng ngân hàng, bày nhau “mẹo” đăng ký lúc nửa đêm để tránh nghẽn mạng. Dù vậy, không phải ai cũng thành công.

Dẫn tin từ Tuổi Trẻ, ngày 3/7, Công an TP.HCM cho biết đã xuất hiện tình trạng có người giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học và lừa đảo, thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.

Những người này liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.

Tiếp đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ, thậm chí có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.

Người dân 'loay hoay' cài sinh trắc học để chuyển tiền: Công an TP.HCM cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới, vô cùng tinh vi - Ảnh 2
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'hỗ trợ' cài đặt sinh trắc học - Ảnh: Tuổi Trẻ

Chưa dừng lại, chúng đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. 

Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân thì chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.

Được biết, từ ngày 1/7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.

Do vậy người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.

Công an TP.HCM đề nghị cán bộ, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, thường xuyên cập nhật thông tin về các vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao để có thông tin đầy đủ về phương thức thủ đoạn của tội phạm.

Cần chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình cũng như người thân, coi đó là tài sản riêng hợp pháp, không khai báo thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết; 

Thực hành thói quen sử dụng mạng an toàn, ngay khi phát hiện những dấu hiệu bất thường phải có ý thức tự bảo vệ như thực hiện đổi mật khẩu tài khoản, thông báo cho bạn bè, người thân biết việc tài khoản riêng của mình có thể bị xâm nhập trái phép để tránh bị lừa đảo.

Nhanh chóng đến cơ quan công an gần nhất để trình báo trong trường hợp bị chiếm đoạt tài sản.

Bé 11 tháng tuổi ở Hà Nội bị sát hại với nhiều vết thương trên người: Hé lộ thông tin bất ngờ

Cơ quan chức năng đã giải cứu được người mẹ, còn cháu nhỏ không qua khỏi. Khi xảy ra vụ việc, nhiều cư dân đã lập tức báo cho ban quản lý tòa nhà và trình báo cơ quan chức năng có mặt kịp thời.

TIN MỚI NHẤT