Nước lũ từ các con sông đổ về quá nhanh, ông Hùng cùng một số cán bộ trong trại giam nhanh chóng giải cứu đàn lợn nhưng không kịp. Nhìn đàn lợn chết trong dòng nước lũ, ông và mọi người đều không kìm được nỗi xót xa, đau đớn.
Sáng 13/10, chúng tôi đã tìm về thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định (Thanh Hóa) nơi dòng nước lũ làm cô lập hàng trăm nhà dân, làm chết hàng ngàn con lợn trong trại tạm giam số 5 (Tổng cục 8, đóng tại thị trấn Thống Nhất).
Do nước vẫn chưa rút nên đường vào trang trại vẫn bị cô lập, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại vào sáng cùng ngày, ông Lê Ngọc Hùng - chủ trang trại lợn cho biết ông vẫn đang loay hoay tìm cách xử lý số lợn chết.
Theo lời ông kể, vào chiều 10/10, nước lũ lên nhanh gây vỡ đê sông Thép. Chỉ trong thời gian ngắn, nước ngập mênh mông, lên cả nóc nhà, khu trại lợn phía sau cũng chìm trong biển nước.
"Cán bộ, nhân viên của trang trại đã vội lao vào cứu. Lực lượng công an của trại giam cũng được huy động để trợ giúp nhưng không kịp. Nước lũ dâng lên nhấn chìm mọi thứ, nhìn thấy bầy lợn bơi và đuối dần trong dòng nước lũ nhưng chúng tôi không thể làm gì. Hiện số lợn mắc kẹt và chết đã lên đến gần 6.000 con, chúng tôi chỉ cứu được khoảng 200 con lợn. Số lợn này được cho thoát ra khỏi chuồng sớm trước khi nước ngập kín lối ra vào chuồng trại.
Có người chèo ghe, có người nhảy xuống bơi để cố đẩy số lợn này trôi theo dòng nước, mong chúng sống sót. Nhìn hàng ngàn con lợn chết ai nấy đều rất đau xót", ông Hùng kể.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, thiệt hại chưa thể thống kê cụ thể, nhưng trong số hàng nghìn con lợn bị chết thì có khoảng 2.000 lợn giống, còn lại lợn nái, lợn thịt đã trưởng thành, có thể xuất bán. Ước tính thiệt hại cả tài sản và đàn lợn lên đến khoảng hàng chục tỷ đồng.
Ngay trong chiều nay, ông Hùng sẽ tìm cách di chuyển số lợn chết vào bờ. Sau đó, ông phối hợp cùng chính quyền chờ nước rút, tiêu hủy theo đúng quy trình.
Ghi nhận của chúng tôi, hiện tại, nơi đây vẫn chìm trong biển nước, tuyến đường duy nhất vào thị trấn cũng chìm trong nước lũ. Để đi lại, mỗi người phải bỏ 30.000 đồng thuê người chèo thuyền đưa qua đoạn nước lớn. Nhiều hoa màu, nhà cửa của người dân đã bị dòng nước lũ tàn phá.
Cùng ngày, ông Lưu Vũ Lâm, Chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, số lợn chết sẽ được xử lý bằng hình thức chôn lấp ngay trong chiều nay.
"Huyện đã huy động tất cả lực lượng của các cơ quan chức năng phối hợp với người dân tham gia thu gom toàn bộ số lợn đã bị chết đuối do mưa lũ. Công việc đã được thực hiện từ sáng, đến chiều nay là hoàn tất. Đây là thiệt hại rất lớn đối với người chăn nuôi. Hiện nước vẫn chưa rút nên biện pháp xử lý số lợn trên là đào hố chôn lấp", ông Lâm nói.