128 người con đến với ông Nhật đều có những hoàn cảnh khác nhau. Đa phần các em đều bị bỏ rơi từ khi mới sinh ra, hay bị mất cha mẹ.
- Cậu bé mồ côi làng SOS trở thành thầy giáo tiếng Anh truyền cảm hứng
- Nhóm côn đồ cầm theo hung khí 'đột kích' bệnh viện tấn công người đàn ông đi ô tô
Không đành lòng nhìn những đứa trẻ bị bỏ rơi, ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, ngụ thôn 1, xã la H’Lốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) sẵn sàng nhận nuôi tất cả. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông Nhật luôn cố gắng chăm sóc các con thật chu đáo từ cái ăn, cái mặc, cho đến chuyện học hành. 16 năm nay, mái ấm do ông Nhật xây dựng nên luôn rộn ràng tiếng cười của trẻ thơ.
Trong số 128 người con của ông, đến nay đã có 13 em đang học đại học, 17 em đi học nghề tại nhiều tỉnh thành phía nam. Người con lớn nhất của ông năm nay cũng đã 22 tuổi, đang học đại học và dành nhiều thời gian để phụ ba trong việc chăm nuôi các em nhỏ hơn.
Để lo cho các con đầy đủ về mọi mặt, ông Nhật đã làm đủ mọi nghề chân chính để kiếm tiền như dạy học, làm thuê, hái tiêu và làm rẫy… Hiện tại, ông Nhật đang có 1 xào đất và thường xuyên tập cho các con biết tăng gia sản xuất.
Ngôi nhà các em nhỏ đang ở là đất của ông Nhật mua và lập thành 3 khu riêng. Trong đó, một khu dành cho những bé nhỏ từ 2-3 tuổi trở xuống, một khu dành cho các bé trai và một khu dành cho các bé gái.
Đằng sau những tiếng cười trẻ thơ
Đến nay, khi nhớ lại hoàn cảnh đứa con đầu tiên mình nhận nuôi, ông Nhật vẫn chưa hết bàng hoàng và chua xót.
"Trong kí ức của tôi, bé đầu tiên tôi nhận khi đó suýt bị chôn sống. Mẹ bé sinh được 2 ngày thì không qua khỏi. Sau đó bé cũng suýt bị chôn sống với mẹ nó luôn. Mình thấy mình không có bỏ qua được. Thà mình không thấy thì thôi, đây mình đã thấy rồi thì mình phải cố gắng cứu", ông Nhật đau lòng kể lại.
Suốt những năm qua, ông Nhật thường nhận được tin báo từ người dân rằng có trẻ em bị bỏ lại trong rừng sâu. Mỗi lần như vậy, người cha này không ngần ngại dang rộng cánh tay để nhận nuôi, bao bọc. Đối với những đứa trẻ mồ côi, ông cũng luôn nắm bắt thông tin để đón các cháu cùng về một mái ấm.
Tất cả hành động của người đàn ông này đều xuất phát từ tình thương, lòng trắc ẩn. Nghĩ tới những đứa bé được sinh ra đã gặp bất hạnh và không biết cuộc đời sẽ đi về đâu, lòng ông Nhật lại dấy lên sự thương cảm.
Ông tâm sự: "Có những đứa bé 5-6 tuổi vì bố mẹ mất nên phải đi lang thang khắp nơi. Chúng không có lấy một miếng cơm hẳn hoi để ăn, toàn đi nhặt lượm bất kỳ thứ gì có thể ăn được để cầm cự. Rồi tương lai nó sẽ trở thành những người như thế nào khi từ nhỏ đã sống bờ sống bụi như thế. Nên tôi thấy cần phải có một mái ấm để cho các em nương nhờ để sống, để được đi học, được làm người".
Để nuôi tốt được 128 đứa trẻ, ông Nhật đã gặp vô vàn khó khăn, mà cái khó nhất có lẽ là cách thức dạy dỗ. Nhiều lúc ông cảm thấy mệt mỏi, thiếu thốn và đau đớn song chưa một lần cảm thấy nản lòng.
Đến nay, dù làm nhiều việc thiện, nhưng ông Nhật chưa một lần kêu gọi giúp đỡ. Chia sẻ về điều này, ông Nhật bộc bạch: "Mình cứ cố gắng làm bằng hết sức của mình. Đới với nhiều người, người ta không hiểu, họ sẽ nói mình lợi dụng vào chuyện đó để kêu gọi. Cho nên mình không muốn kêu gọi. Mình cứ làm với cái tâm và làm hết sức mình, ai thấy thương và họ giúp đỡ sẽ ý nghĩa hơn".
Quyết định sống độc thân để vững tâm và giúp được nhiều người
Từ nhỏ, ông Nhật đã nuôi dưỡng ước mơ được giúp ích cho xã hội dù chỉ là điều gì đó nhỏ nhặt. Rồi theo dòng chảy thời gian, ông quyết định không lập gia đình để có nhiều thời gian hơn cho việc thiện và với những ý niệm của riêng mình.
Hiện tại, ông vẫn luôn hài lòng, vững tin với quyết định của bản thân: "Nếu mình có gia đình, mình phải toàn tâm lo cho gia đình chứ không có giúp được ai hết".
Không được gia đình ủng hộ, nhưng bằng sự quyết tâm và tấm lòng yêu thương trẻ, người đàn ông 60 tuổi đã vá lại đau thương, bồi đắp tuổi thơ cho 128 đứa trẻ. Tiếng cười của chúng chính là động lực lớn giúp ông Nhật tiếp tục vững bước trên con đường mình đã chọn.
Ông Nhật luôn cho rằng tình thương chính là sự cảm hóa kì diệu nhất đối với con người. Song cùng với đó, "dạy con từ thuở còn thơ" chính là cách giáo dục tốt nhất để vận dụng nuôi trẻ.
Nhìn đàn con dễ thương, ngoan ngoãn và ngày càng trưởng thành, ông lại thêm phần hãnh diện.
Vì tuổi không còn trẻ, giờ đây, ông Nhật thường xuyên trăn trở và lo ngại về tương lai. Nghĩ tới các con sau này chưa đến tuổi trưởng thành nhưng không còn ai nương tựa, ông lại đau lòng. Cũng vì thế, ông thường xuyên ngồi tâm sự với các con, đặc biệt với các con đã lớn về mong muốn cả nhà sẽ luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Thời gian dần trôi, cuộc sống của những đứa trẻ được cha Nhật cưu mang luôn được cải thiện. Mặc dù các em không được nuôi bằng sữa mẹ, nhưng các em có thể lớn lên bằng sự yêu thương của người cha. Sự khỏe mạnh và những tiếng cười rộn vang giữa bản làng thuộc xã la H’lốp chính là minh chứng rõ nét cho tình thương của con người. Mà hơn ai hết, đó chính là tấm lòng của ông Nhật.