Các năm gần đây cứ đến ngày Thất Tịch các bạn trẻ lại rủ nhau ăn những món có đậu đỏ, vì sao lại có trào lưu này?
- 11 điều đại kỵ không nên làm trong mùng 1 tháng 7 cô hồn để tránh vận xui tìm tới cửa nhà
- Cúng rằm tháng 7 năm 2024 vào ngày nào đẹp nhất?
Ngày Thất Tịch 2024 là ngày nào?
Ngày Thất Tịch, diễn ra vào mùng 7 tháng 7 Âm lịch mỗi năm, là một dịp đặc biệt mà người ta thường thấy mưa ngâu. Năm nay lễ Thất Tịch rơi vào thứ Bảy ngày 10/8 dương lịch.
Ngày này còn được xem như ngày lễ tình yêu ở phương Đông, Thất Tịch có thể coi là phiên bản châu Á của ngày Lễ Tình nhân (Valentine) của phương Tây, diễn ra vào ngày 14/2 Dương lịch.
Nguồn gốc ngày Thất tịch
Chuyện kể rằng, Ngưu lang, một người phàm trần chăn trâu và Chức nữ - nàng tiên dệt vải, con gái của Vương mẫu nương nương trên thiên đình yêu và cưới nhau. Do thân phận kẻ tiên người tục nên họ phải chia tay nhưng vẫn luôn nhớ thương nhau. Cuối cùng, Vương mẫu cũng cảm động, đồng ý cho họ được gặp nhau mỗi năm một lần vào đúng ngày 7 tháng 7 âm lịch, được gọi là ngày Thất tịch.
Mỗi năm một ngày, đàn quạ đen tạo thành một cây cầu băng qua ngân hà đưa họ đến với nhau. Vào ngày này trời thường mưa rả rích, người ta gọi đó là mưa ngâu, đó chính là nước mắt của Ngưu lang và Chức nữ khi gặp lại nhau sau bao ngày xa cách. Người Việt thường gọi ngày này là "ngày ông Ngâu bà Ngâu" vì vào ngày này, trời thường xuất hiện những cơn mưa ngâu.
Tên gọi "ông Ngâu bà Ngâu" xuất phát từ việc khi hai người gặp nhau, họ đã khóc vì hạnh phúc, và những giọt nước mắt này đã biến thành mưa ngâu. Từ đó, ngày 7 tháng 7 Âm lịch đã trở thành ngày để tôn vinh tình yêu chung thủy, được người phương Đông gọi là ngày Thất Tịch.
Vì sao ăn đậu đỏ trong ngày Thất tịch?
Thất tịch vốn là ngày lễ quan trọng với người phương Đông, đặc biệt là Trung Quốc. Trong ngày này, nhiều người kiêng cưới hỏi vì sợ gặp cảnh chia ly như Ngưu lang và Chức nữ. Thay vào đó, người ta thường đi chùa cầu duyên, cầu bình an và thuận lợi trong con đường tình duyên.
Đặc biệt vào dịp này, các bạn trẻ thường rủ nhau ăn các món từ đậu đỏ để cầu nhân duyên, mong sớm gặp ý trung nhân. Tuy đó chỉ là một lời kêu gọi vui vẻ, không nhiều người tin nhưng lại được các bạn trẻ hưởng ứng mãnh liệt, lan tỏa nhiều nơi. Vì thế, những năm gần đây cứ gần đến ngày 7/7 âm lịch là thanh niên độc thân bắt đầu rủ nhau ăn chè đậu đỏ hoặc các món ăn từ đậu đỏ.
Theo quan niệm dân gian của nhiều nước phương Đông, đậu đỏ được xem là một vật mang lại nhiều may mắn bởi màu đỏ tượng trưng cho sự tốt lành, vui vẻ, hạnh phúc. Mọi người cho rằng sự may mắn ấy cũng "ứng" với chuyện tình duyên nếu đậu đỏ được ăn vào ngày Thất tịch; món chè đậu đỏ sẽ giúp tình yêu đôi lứa thêm bền vững, người độc thân sẽ sớm tìm được ý trung nhân.
Với sự phát triển của xã hội, ngày nay nhiều bạn trẻ không còn quá tin vào truyền thuyết ăn chè đậu đỏ vào ngày lễ Thất tịch sẽ giúp “thoát ế”. Tuy nhiên, giới trẻ vẫn hưởng ứng thói quen ăn chè đậu đỏ vào ngày này như một cách lưu truyền nét đẹp văn hóa.