Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey

Xã hội 03/11/2017 13:41

Người dân từ Quảng Ngãi đến Cà Mau đang nín thở chờ bão Damrey đổ vào đất liền. Học sinh sẽ nghỉ học trong ba ngày, du khách và người dân bị cấm tắm biển...

Hồi 10h ngày 3/11, tâm bão số 12 (Damrey) cách bờ biển Khánh Hòa - Ninh Thuận khoảng 400 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15. Theo dự báo, trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. 

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía bắc - tây bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 8-10, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 11-12, giật cấp 15, biển động dữ dội.

Quảng Ngãi cấm biển

Trước bão số 12, Quảng Ngãi đã ban hành lệnh cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt thủy sản, kêu gọi tàu thuyền đang hành nghề ở vùng biển Trường Sa và các vùng biển phía Nam tìm nơi tránh trú an toàn. Ông Lê Tấn Hải, Giám đốc Ban quản lý cảng & cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ngãi, cho biết ảnh hưởng bão số 12, sáng 3/11, vùng biển địa phương gió cấp 6, cấp 7, biển động mạnh.

"Trước tình hình này, chúng tôi tạm ngừng hoạt động tuyến cao tốc từ cảng Sa Kỳ đi huyện đảo Lý Sơn và ngược lại", ông Hải nói.

Bình Định kiểm tra y tế dự phòng

Sáng 3/11, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định về các địa phương rà soát những khu vực neo đậu tàu thuyền, kiểm tra các tuyến đê, kè xung yếu... tuyên truyền người dân chủ động ứng phó bão số 12.

 Ngành Y tế Bình Định cũng họp khẩn cấp kiểm tra, rà soát lại toàn bộ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện phòng chống lụt, bão hiện kịp thời hỗ trợ cho các đơn vị, địa phương trong việc xử lý nguồn nước ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh môi trường trong và sau bão, lũ. Bệnh viện đa khoa tỉnh có phương án cụ thể để tiếp nhận, điều trị tại chỗ và hỗ trợ tuyến dưới trong việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân trong những ngày mưa, lũ...

Phú Yên thông báo chuẩn bị sơ tán

Tại Phú Yên, ông Phạm Trung Chánh, Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho hay sáng nay địa phương đã điều động một số ôtô tuyên truyền lưu động, phát loa thông báo người dân vùng trũng thấp ven sông, vùng nguy cơ sạt lở cao chuẩn bị sơ tán đến vùng cao an toàn trước khi bão số 12 đổ bộ.

"Dự kiến chiều 3/11, chúng tôi sẽ hỗ trợ giúp khoảng 800 hộ dân với hơn 2000 người dân di dời đến các trường học, trạm xá, chòi tránh lũ kiên cố để đảm bão an toàn ứng phó với bão, lũ", ông Chánh nói.

Khánh Hoà: Cấm tắm biển

Sáng 3/11, UBND TP Nha Trang đã đặt biển báo cấm tất cả người dân và du khách tắm biển vì sóng lớn. Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã gửi công văn cho phép học sinh nghỉ học trong ba ngày (từ 3-5/11) để tránh bão.

Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey - Ảnh 1
Nha Trang đặt biển báo cấm tắm biển cho du khách và người dân. Ảnh: Minh Quý.

UBND tỉnh Khánh Hòa đã họp khẩn và yêu cầu các sở, ban ngành, UBND huyện, TP hoãn tất cả các cuộc họp để tổ chức phương án phòng chống lụt bão. Chủ tịch UBND tỉnh  yêu cầu các thành viên trong ban phòng chống lụt bão phải xuống địa bàn được phân công để đôn đốc công việc phòng chống lụt bão chứ không giao về địa phương.

Chủ tịch UBND yêu cầu các tàu hoạt động du lịch, các cầu cẩu xây dựng nhà cao tầng phải tháo dỡ. Đối với các khu vực ven biển có khả năng sóng đánh, gây sạt lở thì chính quyền địa phương lên phương án sơ tán. Tất cả các công việc phải hoàn thành trước 15h ngày 3/11.

 
Sáng 3/11, bà con trên đảo Bình Hưng (xã Cam Bình, TP Cam Ranh, Khánh Hòa) tất bật dọn dẹp, neo đậu tàu thuyền, chằng néo nhà cửa, bè nhà hàng, lồng tôm hùm, hải sản trước khi bão số 12 đổ bộ vào đất liền.

Anh Nguyễn Văn Chiêm dùng loa tay đi thông báo thông tin về cơn bão số 12 để bà con cùng cảnh giác, đề phòng. Theo người dân trên đảo, lần gần nhất có bão đổ bộ vào đảo Bình Hưng là năm 1993. Dù là địa điểm ít ảnh hưởng của bảo nhưng người dân đảo Bình Hưng rất cảnh giác, đề phòng bão nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. 

Tính đến 6h ngày 3/11, Khánh Hoà có 1 người mất tích do bão, 5 ngôi nhà bị hư hỏng, 1.550 ha lúa, 70 ha hoa màu bị ngập, 5.700 gia cầm và 200 gia súc bị cuốn trôi, 15 ha tôm, 12 ha ốc bị thiệt hại. Ngoài ra, bão gây sạt lở 2.350 m đường. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 40 tỷ đồng.

Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey - Ảnh 2
Người dân trên đảo Bình Hưng chằng chống chuẩn bị đón bão. Ảnh: Phước Tuần.

Theo rà soát, tại Khánh Hòa, tổng số người dân cần phải sơ tán khi bão số 12 đổ bộ là 133.535 người. Trong đó, sơ tán tại chỗ 34.818 người, sơ tán đến khu vực khác 98.717 người.

Ninh Thuận: Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra phòng chống bão

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đức Thanh đã đi kiểm tra tình hình phòng chống bão Damrey tại cảng Đông Hải (TP. Phan Rang - Tháp Chàm).

UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập 3 đoàn đi kiểm tra công tác phòng ứng phó với bão số 12. Nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, kiểm tra không cho người dân ở lại trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh trên biển. Bố trí lực lượng, vật tư sở những vị trí xung yếu sẵn sàng khắc phục sự cố do bão lũ gây ra.

Bình Thuận: Xả điều tiết 10 hồ chứa nước

Ngày 3/11, Ban chỉ huy PCTT&TKCC tỉnh Bình Thuận cho biết đa số các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường. Hiện nay có 10 hồ chứa tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình.

Theo Biên phòng tỉnh Bình Thuận, 7.399 tàu thuyền với 39.772 thuyền viên đã vào bờ neo đậu tránh trú bão an toàn. UBND tỉnh chỉ đạo đến 10h ngày 3/11 phải hoàn tất công việc chuẩn bị ứng phó trước và sau bão.

Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey - Ảnh 3
7.399 tàu thuyền ở Bình Thuận đã vào bờ neo đậu trú bão an toàn. Ảnh: Huỳnh Hải.

Sở GD&ĐT Bình Thuận đề nghị thủ trưởng các đơn vị cho học sinh nghỉ học và các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường (bao gồm các lớp Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thi nâng bậc chuẩn Ngoại ngữ…) thứ 7 (4/11) và chủ nhật (5/11).

Đồng Nai: Thuỷ điện Trị An xả lũ

Công ty Thủy điện Trị An vừa phát đi thông báo dự kiến xả tràn điều tiết hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào 15h chiều 3/11. Theo đơn vị này, trưa 2/11, mực nước hồ chứa thủy điện Trị An đạt cao trình 61,47 m, lưu lượng nước về hồ trung bình 740 m3/s, lưu lượng nước qua tua bin phát điện khoảng 820 m3/s. 

Công ty Thủy điện Trị An cho biết bão số 12 có thể ảnh hưởng và gây mưa lớn một số vùng trong các ngày tới. Nếu diễn biến lưu lượng về hồ tăng đột biến, công ty sẽ xả tràn điều tiết hồ chứa với lưu lượng 150-310 m3/s. Tùy theo diễn biến của thời tiết và sự ảnh hưởng của bão số 12, công ty này có thể điều chỉnh lượng nước điều tiết qua tràn hợp lý và thông báo để chính quyền, người dân vùng hạ du có biện pháp phòng ngừa, tránh thiệt hại do xả tràn.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị phương án sơ tán

Sáng 3/11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết địa phương đã lên các phương án ứng phó với bão số 12 (Damrey). Theo kế hoạch, các cán bộ, chiến sĩ ở các lực lượng, chính quyền địa phương lên tinh thần phòng chống bão, trực chiến 24/24h. Lực lượng chức năng tỉnh này chuẩn bị các phương án phòng, chống bão, di dời và hậu cần.

Tiền Giang: Người giữ đáy sông Cầu không chịu vào bờ

Tại Tiền Giang, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão cho biết nơi đây đã huy động các cán bộ trực 24/24, thường xuyên cập nhật và chuyển tải các thông tin về diễn biến của cơn bão số 12. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tiền Giang đã ra lệnh cấm không cho các tàu đánh bắt xa bờ ra khơi (số tàu thuyền đã vào bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn hiện nay là 100%, với 1.352 chiếc).

Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey - Ảnh 4
Đường đi dự kiến của bão số 12. Đồ hoạ: Nhân Lê.

Tỉnh Tiền Giang cũng kêu gọi người giữ đáy sông Cầu vào đất liền. Nếu không chấp hành sẽ thực hiện cưỡng chế đưa vào bờ.

Bạc Liêu bảo vệ các công trình đang thi công ven biển

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, cho biết dù có thông tin bão không đổ bộ vào tỉnh này nhưng lực lượng chức năng đã ứng trực 24/24 tại khu vực ven biển của huyện Đông Hải, Hòa Bình và TP Bạc Liêu. Nếu thời tiết xấu, người dân gặp nguy hiểm thì lực lượng này sẽ giúp bà con di dời tàn sản đến nơi an toàn.

"Hiện nay các công trình đang thi công ven biển như trường học và kè Gành Hào. Nếu thiên tai xảy ra, tỉnh sẽ cố gắng bảo vệ những hạng mục đã thi công xong để tránh hư hại thành quả vừa làm xong trước đó. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch bảo bệ dân và vùng sản xuất bên trong đê biển", ông Lân nói.

Cà Mau: Người dân chưa biết chằng nhà chống bão

Sáng 3/11, ông Lê Văn Sử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau ký văn bản gửi Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng và UBND các huyện, thành phố về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phòng chống thiên tai.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, bão diễn biến phức tạp nhưng việc vận động nhân dân chằng chống nhà ở còn chậm, chưa đúng kỹ thuật. Chính quyền địa phương cần bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện đảm bảo an toàn khi có bão.

Miền Trung, miền Nam nín thở trước bão số 12 - Damrey - Ảnh 5
Tàu đánh cá đã vào cửa biển Khánh Hội của huyện U Minh (Cà Mau) tránh bão dù nơi đây thời tiết đang tốt. Ảnh: Việt Tường.

Việc neo đậu tàu thuyền ở các cửa biển hiện vẫn còn mất trật tự, chưa đảm bảo an toàn và đáp ứng khả năng điều động khi tình huống xấu xảy ra. Các cấp chính quyền và cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra thủy sản phải hướng dẫn neo đậu trật tự, an toàn và ưu tiên cho đội tàu cứu hộ, cứu nạn dễ dàng di chuyển khi làm nhiệm vụ.

Công tác quản lý tàu công suất dưới 20 CV cũng được cho là còn lỏng lẻo nên các huyện, thị và bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông đường thủy phải thống kê đầu đủ để kiểm soát tốt khi bão xảy ra.

Vietnam Airlines huỷ chuyến do ảnh hưởng bão

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết do ảnh hưởng của cơn bão số 12 tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây nguyên, hãng dự kiến điều chỉnh kế hoạch khai thác tại các sân bay Cam Ranh và Đà Lạt trong sáng 4/11.

Theo đó, VNA sẽ hủy 8 chuyến bay giữa Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và Cam Ranh; hủy 2 chuyến bay giữa TP.HCM và Đà Lạt. Bên cạnh đó, hãng khuyến nghị hành khách đang có kế hoạch đến/đi từ các sân bay: Cam Ranh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Đà Lạt, Pleiku, Buôn Ma Thuột trong thời gian này nên thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, thông tin nhằm chủ động lịch đi lại.

Sẵn sàng sơ tán người khi áp thấp mạnh thành bão ập vào Sài Gòn

UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị lên phương án sơ tán người dân ở khu vực ven sông, ven biển, cấm tàu thuyền hoạt động khi bão mạnh đổ bộ vào thành phố.

TIN MỚI NHẤT