Với những người làm ăn buôn bán, mâm cúng ngày vía Thần Tài rất được coi trọng. Vậy mâm cúng Thần Tài gồm những gì và bày biện như thế nào mới thể hiện được sự chu đáo và mang đến may mắn, tài lộc?
Với hy vọng mở ra một năm Ất Tỵ 2025 đầy phát lộc và may mắn, nhiều thương nhân, nhà kinh doanh cùng các hộ buôn bán tận tâm dâng lên Thần Tài những mâm lễ chu đáo và trang trọng, bày tỏ lòng thành kính và ước mong một năm làm ăn hanh thông, suôn sẻ.
Năm Ất Tỵ này, ngày hân hoan vía Thần Tài diễn ra vào mùng 10 tháng Giêng Âm lịch, tức ngày Đinh Mùi tháng Mậu Dần, hay cụ thể là thứ Sáu, ngày 7 tháng 2 Dương lịch.
Vậy mâm cúng ngày này gồm những gì? Mâm cúng ngày vía Thần Tài có chút khác biệt với mâm cúng Gia tiên ngày Tết, cũng không đòi hỏi các món ăn được chế biến cầu kỳ, nhiều thời gian. Thay vào đó, chủ yếu vẫn là các món ngọt, bộ tam sinh, trà rượu, bánh kẹo và đồ lễ khác tùy theo phong tục và sự sùng bái của mỗi người.
Mâm cúng Thần Tài 2025 gồm những gì?
Mâm cúng Thần Tài thường bao gồm các lễ vật sau.
Bộ tam sinh: Có thể nói rằng, trong mâm cúng Thần Tài, bộ tam sinh là lễ vậ quan trọng nhất. Bộ tam sinh thường có miếng thịt heo, béo ngậy - biểu tượng của sự sống trên cạn (loài thai sinh), bên cạnh đó là ba con tôm hoặc cua luộc - những sinh vật phản ánh sự sống dưới nước (loài thấp sinh), và 3 quả trứng - đại diện cho loài vật bay trên bầu trời (loài noãn sinh). Tại miền Nam, người dân thường bày thêm con cá lóc nướng trui để làm vật phẩm cúng Thần Tài.
Bộ tam sinh không chỉ dùng trong ngày cúng vía Thần Tài mà còn được bày trong những ngày lễ cúng như khai trương, động thổ, cúng thổ thần, thuỷ thần,...
Hoa tươi: Hoa cúc, hoa đồng tiền hoặc hoa lay ơn, tượng trưng cho sự may mắn và tươi mới. Hương hoa cúc, hoa hồng và cả những bông hoa ly rực rỡ sắc màu cũng góp phần làm đầy thành tâm cho bàn thờ, giống như việc lựa chọn tránh xa những loại quả có gai như sầu riêng hay hoa nhiều gai.
Và không thể không nhắc đến trầu cau - một phần không thể tách rời trong lễ vật cúng Thần Tài. Những quả cau căng tròn, màu xanh mơn mởn, cùng lá trầu bóng láng, đầy đặn không tỳ vết, đôi khi còn được cách điệu bởi những chiếc lá trầu được cắt tỉa tinh xảo như cánh phượng, hoặc thậm chí là kẹp thêm hoa để tăng thêm phần trang trọng và tỉ mỉ.
Trái cây ngũ quả: Chọn 5 loại trái cây tươi ngon, màu sắc đẹp, tượng trưng cho ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh).
Ảnh: Vũ Thu Hương, Loan Trần.
Hương (nhang): Thắp 3 hoặc 5 nén hương để thể hiện lòng thành kính.
Đèn cầy (nến): Tượng trưng cho ánh sáng dẫn đường tài lộc.
Gạo, muối: Biểu tượng của sự no đủ và bình an. Nước sạch: Nước lọc hoặc trà thơm. Rượu trắng hoặc rượu nếp: Dâng lên để thể hiện sự trang trọng.
Ảnh: Vũ Thu Hương, Bếp Hoa.
Bánh kẹo: Bánh bao, bánh chưng, bánh tét, hoặc kẹo ngọt tượng trưng cho sự ngọt ngào, viên mãn. Nhiều năm trở lại đây, nhiều người cũng thích bày biện các loại bánh kem đẹp mắt lên bàn thờ Thần Tài.
Ảnh: Tiệm cafe nhà Bông
Vàng mã: Tiền vàng, mã Thần Tài để hóa vàng sau khi cúng. Phần lễ này nên có nhưng không cần nhiều.
Xôi, gà luộc: Tùy theo điều kiện, có thể chuẩn bị món mặn để dâng cúng. Nhiều người chuẩn bị xôi gấc, xôi đậu tạo hình hoa đẹp mắt, chẳng hạn như các đĩa xôi có thêm chữ Lộc, Phát, Tài,...
Thời gian cúng Thần Tài tốt lành
Giờ cúng tốt nhất: Thường là vào buổi sáng, khoảng 5h - 7h hoặc 7h - 9h, vì đây là thời điểm khí dương thịnh, mang lại nhiều may mắn và tài lộc.
Ngày cúng: Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch (ngày vía Thần Tài) hoặc các ngày mùng 1, ngày Rằm hàng tháng.
Lưu ý: Không nên cúng vào chiều hoặc tối.
Khi cúng, gia chủ nên đọc bài văn khấn Thần Tài để cầu xin bình an, tài lộc và may mắn. Nội dung văn khấn có thể tham khảo từ các sách văn khấn cổ truyền hoặc tìm trên internet.
Lưu ý khi cúng Thần Tài
- Giữ không gian cúng sạch sẽ, trang nghiêm.
- Thành tâm cầu nguyện, không nên quá cầu kỳ hình thức.
- Sau khi cúng xong, hóa vàng mã và chia lộc cho các thành viên trong gia đình.
Chuẩn bị mâm cúng Thần Tài đầy đủ và cúng vào giờ tốt sẽ giúp gia chủ đón nhận nhiều tài lộc, may mắn trong năm 2025.