Lời kể của các học sinh nghi bị ngộ độc khi đi dã ngoại: 'Bạn ngồi cạnh cháu ăn hết suất cơm nên bị nặng hơn'

Xã hội 30/03/2023 07:44

Sự việc hàng chục học sinh nghi bị ngộ độc sau khi đi dã ngoại, bếp ăn bán trú của Trường Tiểu học Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo thông tin từ Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, vào ngày 29/3, một số học sinh lớp 2 Trường Tiểu học Kim Giang đã được xuất viện và phụ huynh các em. Trước đó những em này nghi bị ngộ độc thức ăn sau chuyến đi ngoại khoá của nhà trường vào chiều 28/3.

Cụ thể, em D.T (lớp 2 A5), phụ huynh của nam sinh này cho biết, nay T. được nghỉ học và sức khoẻ của cháu đã ổn định. Em T. kể lại, buổi sáng ngày 28/3, em có ăn bánh mỳ rồi đến lớp để đi dã ngoại cùng hơn 50 bạn khác. Đến khoảng 12h trưa, T. cùng các bạn được ăn cơm hộp với các món như cơm rang, khoai tây chiên, thịt gà rán, canh thịt nấu chua.

“Trong bữa ăn ngày 28/3, cháu được bạn cho mấy miếng thịt gà. Khi ăn thịt gà, cháu cảm thấy vị lạ lạ, có miếng còn màu đỏ”, T. nói và cho biết bản thân ăn 3 miếng thịt gà.

Sau khi ăn cơm xong, lớp T. và các bạn của một lớp khác ngủ tại khu vực sàn nhà của trang trại đã được trải đệm. Hai giáo viên chủ nhiệm của hai lớp khi này đi ăn cơm. Đến buổi chiều, lớp T. được đưa đi tham gia hoạt động trải nghiệm "Huấn luyện cung thủ", bằng cách dùng cung bắn tên vào bảng gỗ. Kết thúc hoạt động này, T. cùng các bạn đi về. “Khi các bạn lên xe để đi về, cháu bị nôn ở trên xe nhưng không đau bụng. Khoảng 16h, xe về đến trường, lúc này cháu cùng bạn Ng., Ph. bị đau bụng, buồn nôn, giáo viên bảo mọi người ra nhà vệ sinh để nôn. Tiếp đó, mọi người lại vào lớp để nghe cô giáo dặn dò", T. nhớ lại.

 

Phụ huynh của em T. cho biết, khi về đến nhà, con của chị vẫn đau bụng và còn bị đi ngoài. Thấy vậy, chị đã pha dung dịch Oresol để cho em uống. “Giáo viên ban đầu cho rằng các bạn bị say xe nên buồn nôn, nhưng khi về nhà các con bị nặng hơn”, phụ huynh chia sẻ.

Vị phụ huynh này cho hay, sau đó, chị đã gọi điện ra trung tâm y tế phường để được tư vấn và được khuyên, nếu con sốt sốt trên 37 độ phải đưa đi viện, còn nếu con ăn cháo loãng và hạ sốt thì cho con ở nhà. May mắn là T. sau đó đã hạ sốt.

Nữ phụ huynh đánh giá, sau chuyến đi tham quan ngày hôm qua, các phụ huynh chắc chắn sẽ có phần lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh đó còn một phần về việc quản lý của các giáo viên. Bên cạnh đó, con số học sinh nghi bị ngộ độc thức ăn có thể còn nhiều hơn, do có em bị nhẹ nên ở nhà điều trị.

Lời kể của các học sinh nghi bị ngộ độc khi đi dã ngoại: 'Bạn ngồi cạnh cháu ăn hết suất cơm nên bị nặng hơn' - Ảnh 1
Em T. vẫn mệt mỏi sau chuyến đi dã ngoại ngày 28/3 - Ảnh: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam

Bé L.K.Kh (cũng học lớp 2 A6) đã được ra viện. Sáng 29/3, Kh. được nghỉ học và sức khoẻ của em đã ổn định. Kh. cho biết, lớp em có 53/58 bạn đi tham quan.

Về bữa ăn tại trang trại, bé Kh. cho biết, em chỉ ăn hai miếng thịt gà chiên (suất ăn có sáu miếng thịt gà) và cảm thấy không ngon miệng, đối với món canh chua thì em không ăn. “Bạn ngồi cạnh cháu ăn hết suất cơm nên bị nặng hơn”, Kh. nói.

Nhớ lại về một số trò chơi trong buổi dã ngoại, Kh. cho biết, cháu và các bạn được chơi trò mô hình “Cột cờ Hà Nội”, em và các bạn được chơi cầu trượt và được học về lịch sử, rồi trải nghiệm khám phá địa danh ba miền, đến chụp ảnh mô hình khủng long và xem phim màn chiếu. Buổi chiều, em cùng các bạn chơi trò “Sasuke”, rồi trò chơi thổi bong bóng nước.

Trong quá trình ở trang trại, Kh. cho biết, ở trong lớp cũng đã có hơn chục bạn bị nôn. Và khi đi xe về trường cũng có nhiều bạn bị nôn. "Lớp cháu có tổng số khoảng hơn 20 bạn bị nôn. Khi cháu về đến nhà khoảng 5-10 phút, cháu bị đau bụng và buồn nôn, nên được mẹ đưa ra trường để đi Bệnh viện Xây dựng điều trị", bé Kh. nhớ lại.

Lời kể của các học sinh nghi bị ngộ độc khi đi dã ngoại: 'Bạn ngồi cạnh cháu ăn hết suất cơm nên bị nặng hơn' - Ảnh 2
Trẻ nhập viện sau khi đi dã ngoại tại Trung tâm Nhi khoa của Bệnh viện Bạch Mai tối ngày 28/3 - Ảnh: Báo Sức khỏe và Đời sống

Cũng trong sáng 29/3, phóng viên đã tìm gặp em D.Q.M (học sinh lớp 2 A4) vừa được xuất viện về nhà. M. cho biết, trong bữa ăn, em ăn cơm rang, khoai tây chiên, gà chiên và canh. Đối với món thịt gà, M. không thấy thịt có màu đỏ nhưng ăn không ngon. Khi trên xe, M. đã bị nôn và về đến trường cũng vậy.

Mẹ của M. cho biết, thấy con bị nôn vậy, ban đầu chị đoán do cháu chơi trò chơi. “Ban đầu, tôi cho rằng là cháu bị nôn do chơi trò bóng hơi đi trên mặt nước. Sau đó, thấy tình trạng sức khoẻ của cháu vẫn không cải thiện, đến khoảng hơn 17h, cháu được xe cấp cứu đưa lên viện", vị phụ huynh nhớ lại.

Vị phụ huynh cũng cho biết, trước khi con đến trường tham gia buổi trải nghiệm, con có mang theo chai nước khoáng và gói bim bim, tuy nhiên con không ăn, uống. Nhận định về sự việc đã xảy ra, vị phụ huynh cho rằng, nếu lần sau nhà trường tổ chức hoạt động này, chị sẽ kiến nghị nên để các cháu đi gần hơn.

Lời kể của các học sinh nghi bị ngộ độc khi đi dã ngoại: 'Bạn ngồi cạnh cháu ăn hết suất cơm nên bị nặng hơn' - Ảnh 3
Bà Bình cũng gửi lời xin lỗi đến phụ huynh khi sự việc xảy ra và mong phụ huynh chia sẻ - Ảnh: Báo Công an nhân dân

Trước đó, theo thông tin từ báo Công an nhân dân, vào tối 29/3, thông tin về sự việc hàng chục học sinh tiểu học nghi bị ngộ độc sau khi đi dã ngoại, bà Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Nguồn thức ăn buổi trưa cho các học sinh đi học tập và trải nghiệm chương trình ngoại khóa ngày 28/3 đều là thực phẩm của bếp ăn bán trú nhà trường vận chuyển đến. Món ăn của các con có cơm rang, gà, khoai tây chiên, canh chua nấu thịt, bánh quy.

Bà Bình cho biết, theo thông lệ, việc kiểm soát và truy nguồn gốc thực phẩm vào trường có sự giám sát của đại diện ban giám hiệu nhà trường và có sự chứng kiến của phụ huynh học sinh vào khoảng 5h30. Đến khoảng 6h, sau khi kiểm tra nguồn gốc thực phẩm đảm bảo an toàn, bếp ăn của trường mới đưa vào sơ chế, nấu. Cũng trong ngày 28/3, số học sinh không đi ngoại khoá (lớp 3, 4, 5) ăn ở trường và không xảy ra vấn đề gì.

Theo bà Bình, sau sự việc xảy ra chiều ngày 28/3, cơ quan chức năng về an toàn thực phẩm đã chỉ đạo nhà trường tạm dừng hoạt động của bếp ăn bán trú. Do đó, bữa ăn bán trú trưa ngày 29/3 của các học sinh Trường Tiểu học Kim Giang được một đơn vị cung cấp thực phẩm an toàn, đầy đủ pháp lý, vận chuyển thức ăn đến.

Bà Bình cũng gửi lời xin lỗi đến phụ huynh khi sự việc xảy ra và mong phụ huynh chia sẻ.

Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo 'phụ huynh bị tai nạn' để nhằm vào học sinh

Công an thành phố Hà Nội thông tin, mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện chiêu lừa đảo mới nhằm vào học sinh.

TIN MỚI NHẤT