Loại hoa nhập mang tên ly lửa Nhật Bản đang rao bán trên thị trường thực chất là loại cây kịch độc.
- Mổ trâu liên hoan nhà mới, 42 người nhập viện nghi ngộ độc
- Hơn 200 học sinh tiểu học nhập viện nghi ngộ độc sau bữa ăn bán trú
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, thị trường hoa nhập những ngày cuối năm đang rộ lên loài hoa "ly lửa Nhật Bản". Quan sát bên ngoài cho thấy, loại hoa này không có mùi thơm như hoa ly Việt Nam nhưng vẫn được dân chơi say mê săn lùng bởi màu sắc sặc sỡ, bắt mắt. Cánh hoa ly lửa Nhật Bản mỏng manh, uốn éo như những ngọn lửa đang cháy.
Đáng nói, giá của hoa ly lửa mà các chủ shop hoa tươi quảng cáo "nhập khẩu từ Nhật Bản" đang được rao bán lên tới 400.000 đồng/cành song vẫn không có đủ hàng bán. Chia sẻ với PV, một chủ shop hoa nhập tại Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Hoa nhập về tới đâu bán hết tới đó. Muốn mua khách phải đặt hàng trước, nếu đặt bây giờ may ra Tết mới chuyển về được”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, Th.s Nguyễn Văn Hiếu (Viện Dược Liệu, Bộ Y tế), khẳng định loại hoa trên chính là cây ngót ngoẻo hay còn gọi là tỏi độc; có tên khoa học Gloriosa superba L. thuộc họ Bả chó hay họ Tỏi độc (Colchicaceae), được công bố lần đầu tiên vào năm 1753 bởi nhà thực vật học người Thụy Điển: Carl Linnaeus.
Đây là một dạng cây cỏ sống lâu năm, cành trườn dài 1-3 m; mọc ở bãi cát ven biển, ven rừng, trảng cây bụi, ven đường. “Tất cả các thành phần của cây ngót nghẻo đều chứa chất độc có thể giết chết người và động vật lớn. Đặc biệt, phần rễ củ của cây giống với các thành viên khác trong họ Bả chó chứa rất nhiều chất độc colchicine, alkaloid gloriocine; chỉ cần lượng nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, ông Hiếu phân tích và cảnh báo: “Loại cây này rất nguy hiểm cho người dùng, đặc biệt trong nhà có trẻ nhỏ”.
Liên quan tới loài hoa kịch độc ngót ngoẻo, Lương y Phan Công Tuấn, Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, cũng không thể quên sự việc “nhầm lẫn chết người”: “Chuyện xảy ra cách đây gần 40 năm, một sản phụ ở xã Hòa Nhơn (Hòa Vang, Đà Nẵng) bị phù thũng, có một người mách dùng cây Cối xay sắc nước uống. Nhưng khi người nhà đi tìm thì bị chỉ nhầm cây ngót nghẻo, vì tên địa phương cũng gọi “Giằng xay” hay “Cối xay”. Sau khi sắc nước cây này uống, sản phụ đã tử vong. Câu chuyện đau lòng đó nhiều thầy thuốc và người dân địa phương còn nhớ”, vị lương y cho hay.
Theo Lương y Phan Công Tuấn, triệu chứng ngộ độc ngót nghẻo thường thấy vài giờ sau khi ăn phải. Nạn nhân thấy đau môi, lưỡi, đau bụng, tê dại toàn thân, nôn mửa, ỉa chảy ra máu, hoa mắt, mệt mỏi, mặt tím tái, sợ ánh sáng, mạch nhanh, khó thở, mất tri giác rồi chết. Trước khi chết 20-40 phút, thân nhiệt hạ và co giật.
Trong các tài liệu của Việt Nam ghi nhận cây ngót nghẻo phân bố tự nhiên ở Hà Nội (Ba Vì), Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng (Tourane), Quảng Ngãi, Bình Định (Phù Mỹ), Đắk Lắk, Ninh Thuận (Phan Rang), Bình Thuận (Phan Thiết), Khánh Hòa, Bà Rịa-Vũng Tàu (Côn Đảo); cũng được trồng trong vườn hoa, vườn thuốc, trong chậu. Trên thế giới loại cây này còn xuất hiện ở nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Mianma, Trung Quốc, Malaixia, châu Phi.