Bà Loan như chết lặng khi TAND tỉnh Long An thông báo, ngày 5/12/2014, con bà là Hồ Duy Hải sẽ bị đưa vào phòng tiêm thuốc độc.
- Vụ thanh niên sát hại vợ và con trai 2 tuổi ở Hà Nội: Án mạng thương tâm xảy ra vì một giấc mơ ảo tưởng
- Lời khai của nghi phạm sát hại sư thầy và nữ phật tử ở Bình Thuận: Hé lộ nguyên nhân vụ án mạng kinh hoàng
Suốt những năm ròng rã kêu oan cho con, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải) gần như không còn nơi nào không tới, không còn cánh cửa nào không gõ. Bởi, người phụ nữ này tin rằng, con bà không có tội.
Kể từ khi Hồ Duy Hải bị bắt, đến ngày 4/12/2014, nụ cười mới lại xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ của người mẹ này - ngày con bà được hoãn thi hành án tử.
Cận kề cửa tử
Hơn 8 tháng kể từ ngày bị khởi tố, bắt tạm giam, hôm 1/12/2008, Hồ Duy Hải bị TAND tỉnh Long An đưa ra xét xử sơ thẩm.
Tại toà, Hải một mực kêu oan. Luật sư bào chữa cho bị cáo chỉ ra 41 điểm "có sai sót" trong quá trình tố tụng.
Cụ thể, theo luật sư, hồ sơ vụ án có nhiều nội dung, câu chữ trong biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can hoặc nhân chứng, đã bị chỉnh sửa nhưng không có chữ ký xác nhận của bị can, nhân chứng và điều tra viên...
Song, căn cứ hồ sơ và quá trình thẩm vấn tại toà, TAND tỉnh Long An đánh giá đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải giết người và cướp tài sản.
“Vết máu thu được tại hiện trường tuy giám định không phải là của bị cáo song các thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian để kéo dài nên không xác định được, vết vân tay cũng như mẫu tóc ngắn bị gãy không giám định được là đương nhiên.
Tóm lại việc truy tố Hồ Duy Hải về tội giết người và cướp tài sản là hoàn toàn có căn cứ và khách quan đúng với diễn biến…” - bản án sơ thẩm nêu.
Từ đó, toà tuyên phạt Hải tử hình, buộc bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân gần 60 triệu đồng. Không đồng tình với bản án, Hồ Duy Hải sau đó có đơn kháng cáo.
Thế nhưng, hơn 4 tháng sau, ngày 28/4/2009, cánh cửa hy vọng một lần nữa đóng lại với Hải và gia đình, khi TAND Tối cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên bác đơn kháng cáo của Hồ Duy Hải, giữ nguyên án tử.
Lần lượt nhận án tử hình từ hai cấp toà, Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm, mong níu kéo sự sống.
Song, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng, "không có tình tiết mới, vụ án đã xử đúng người, đúng tội", nên ngày 24/10/2011 đã ra quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Đồng thời, cơ quan này có Tờ trình gửi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với bị án Hải.
Đến ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình đối với Hải.
Không từ bỏ hy vọng, Hải cùng gia đình liên tục kêu oan. Thế nhưng, ngày 25/11/2014, bà Loan như chết lặng khi TAND tỉnh Long An cho hay, ngày 5/12/2014 con bà sẽ bị đưa vào phòng tiêm thuốc độc.
Thay vì tiếp nhận thông báo này, người mẹ tức tốc ra Văn phòng Chủ tịch nước cũng như gửi đơn lên TAND Tối cao và VKSND Tối cao kêu oan.
Hôm 4/12/2014, ngày cuối cùng trước khi Hải bị thi hành án, gia đình bà Loan chia làm hai hướng mong giữ lại mạng sống cho tử tù. Trưa hôm ấy, khoảng 12 người thân của Hải đến trụ sở TAND tỉnh Long An xin được dừng việc thi hành án để gia đình tiếp tục kêu oan.
Về phần bà Loan, với tình thương và niềm tin mãnh liệt rằng Hải vô tội, bà tìm gặp những người có tiếng nói để nhờ kêu oan giúp con mình. Như một phép màu và chưa từng có tiền lệ, khi Chủ tịch nước đang tiếp xúc cử tri tại TP.HCM đã nhận được đơn kêu oan của người mẹ cùng hồ sơ.
Thận trọng trước sự sống còn của một con người và những khuất tất trong vụ án, cùng ngày, Văn phòng Chủ tịch nước phát đi công văn gửi VKSND Tối cao và TAND Tối Cao, đề nghị các cơ quan này yêu cầu Hội đồng thi hành án Long An "tạm dừng việc thi hành bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải", để xem xét lại vụ án theo đúng trình tự của pháp luật.
Hay tin, hàng xóm kéo đến chúc mừng gia đình Hải, tiếng cười xen lẫn tiếng khóc. Riêng bà Loan giờ đây nụ cười đã không còn phát ra thành tiếng.
Biết rằng, được hoãn thi hành án chỉ là niềm vui nhỏ nhoi trong quá trình giữ lại mạng sống cho con trai, người mẹ nói trên báo Tuổi Trẻ: "Tôi cứ phải làm gì đó chứ không thể ngồi không để con mình từng giờ đối mặt với cái chết".
Số phận "treo" lơ lửng
Cũng trên báo Tuổi Trẻ, hồ sơ của vụ việc được lật lại thông qua sự giám sát của Ủy ban Tư pháp Quốc hội. Thời điểm này, cùng vụ án Huỳnh Văn Nén đang gây sự chú ý của cộng động về các sai phạm của các cơ quan tố tụng, vụ án Hồ Duy Hải cũng gây chú ý không kém.
Lúc bấy giờ, bà Lê Thị Nga giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, là người đã trực tiếp gặp cả Huỳnh Văn Nén và Hồ Duy Hải. Bà Nga có thời gian trò chuyện và hỏi về vụ án.
Sau cuộc gặp gỡ, bà Nga đã có báo cáo dài 10 trang phân tích những sai phạm, thiếu sót trong tố tụng cùng các điểm chưa rõ trong vụ án. Cá nhân bà Nga cho rằng, "khi chưa rõ ràng thì cần phải làm rõ". Theo bà Nga, cần kháng nghị giám đốc thẩm hủy 2 bản án để điều tra lại.
Tuy nhiên, trải qua rất nhiều thời gian, kể từ khi quyết định tạm hoãn thi hành án với tử tù Hồ Duy Hải được ban hành, số phận của Hải vẫn "treo" lơ lửng.
(còn tiếp)
Hai nữ nhân viên bưu điện bị sát hại dã man
Theo cáo buộc, Hải thường đến Bưu cục Cầu Voi (xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa) cách nhà 2 km đặt mua báo thể thao nên quen nữ nhân viên Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi).
Tối 13/1/2008, anh ta đến nơi làm việc của cô này chơi. Đêm đó còn có em họ 21 tuổi của Hồng là Nguyễn Thị Thu Vân đến chơi. Ngồi một lúc, Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với Hồng, nên đưa tiền cho Vân đi mua trái cây. Khi nữ nhân viên ra ngoài, Hải kéo người chị vào phòng ngủ nhưng bị cự tuyệt.
Tức giận vì bị cô gái đạp ngã vào tường nên Hải đã dùng dao và thớt gỗ để gần đó sát hại nữ nhân viên. Lo sợ sự việc bại lộ, Hải phục sẵn tiếp tục giết Vân khi trở về. Gây án xong, Hải lấy đi 1,4 triệu đồng, 40 sim điện thoại, lột sạch nữ trang của hai nạn nhân.