GS Võ Tòng Xuân: Tôi vẫn giữ nguyên đề xuất gộp Tết của 11 năm trước

Xã hội 15/02/2018 09:36

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, GS Võ Tòng Xuân cho biết ông vẫn giữ nguyên quan điểm về việc gộp Tết và tin tưởng rằng trong tương lai điều này sẽ xảy ra.

GS Võ Tòng Xuân: Tôi vẫn giữ nguyên đề xuất gộp Tết của 11 năm trước - Ảnh 1
GS Võ Tòng Xuân vẫn giữ nguyên quan điểm về việc gộp Tết Nguyên đán vào Tết dương lịch - Ảnh: Internet

Thưa ông, sau 11 năm đề xuất gộp Tết âm lịch vào Tết dương lịch và nhận được rất nhiều quan điểm trái chiều của dư luận, hiện nay quan điểm của ông về vấn đề này thế nào, có thay đổi gì so với 11 năm trước?

GS Võ Tòng Xuân: Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình là nên gộp 2 Tết làm một. Việt Nam cần phải có sự thay đổi trong việc ăn tết. Đất nước ta đang đi lên, đang phát triển và càng phát triển thì công việc càng có nhiều, hội nhập càng nhiều. Do đó, chúng ta cần nắm bắt các cơ hội giao thương, làm giàu cho đất nước nên không thể nào mà cứ ăn tết lê thê.

Từ trước tết cả tháng trời lo chuẩn bị, ăn nhậu, tổng kết cho tới sau tết hàng chục ngày. Công việc gì cũng để ra giêng chứ không giải quyết trước tết. Đó là sự lãng phí thời gian rất lớn, làm mất hết tính cạnh tranh của lao động Việt Nam.

Gia đình ông ăn Tết như thế nào?

GS Võ Tòng Xuân: Tôi có 3 con. Một đứa ở Thụy Sĩ, một Cần Thơ và một đứa ở TP.HCM. Tết năm nay con trai tôi đang có đoàn khách quốc tế đi đầu tư ở Campuchia và sẽ đi 1 tuần, từ 30 Tết. Tôi cũng ăn Tết chỉ 3 ngày. Ngày 30 lo cúng tổ tiên, mồng 1 đi chúc Tết các ban ngành, mùng 2 đi thăm các cán bộ của trường và mùng 3 làm đám giỗ của cha tôi, mùng 4 khai trương 'lấy hên' rồi mọi việc lại trở về bình thường.

Tết dương lịch, gia đình tôi thường tổ chức lớn hơn một chút, tối giản việc đón Tết Nguyên đán. Gia đình tôi cũng vẫn giữ một số phong tục tốt đẹp trong dịp Tết như lì xì, chúc Tết, cúng lễ… còn mọi thứ thì tối giản.

Dư luận có nhiều luồng ý kiến đối với đề xuất của ông. Ông nghĩ sao về những quan điểm như Tết là bản sắc văn hóa nên không thể bỏ; việc kinh tế, làm ăn là do sự chăm chỉ và năng suất của con người chứ không phải do Tết; nhiều nước xứ lạnh nghỉ đông dài ngày nhưng kinh tế phát triển; Nếu chỉ ăn Tết dương lịch thì khí hậu, cây, hoa cảnh không phù hợp…

GS Võ Tòng Xuân: Các nước nghỉ đông không kéo dài lê thê, chỉ nghỉ trong thời gian rất ngắn. Ở ta ăn tết, chuẩn bị tết mất rất nhiều thời gian và công việc, trong khi hiện nay việc hội nhập kinh tế đã rất sâu rộng, các đối tác nước ngoài không trùng lịch nghỉ Tết nên những doanh nghiệp làm ăn với nước ngoài rất vất vả vì công nhân về nghỉ Tết.

Về vấn đề phong tục, văn hóa, tôi nói là gộp Tết chứ không nói là bỏ Tết. Mình vẫn giữ các nghi thức, phong tục, cúng lễ tổ tiên như bình thường nhưng chỉ gói gọn trong vài ngày chứ không ăn tết lê thê, kéo dài như hiện nay.

Cũng giống như Nhật Bản đã ăn Tết dương hàng trăm năm nhưng họ vẫn nghỉ Tết âm và thực hiện những nghi lễ theo truyền thống của họ. Sau vài ngày nghỉ Tết thì công việc lại diễn ra bình thường.

Bên cạnh đó, có những người hiện đại, có lối sống mới không quan trọng vấn đề Tết nhất. Hơn nữa, ở đất nước ta, mỗi vùng miền sẽ có phong tục riêng nên những thủ tục cúng lễ có thể đúng hay quan trọng với vùng này mà lại không cần thiết với vùng kia.

Tôi nghĩ phong tục con cái mừng tuổi bố mẹ, ông bà mừng tuổi con cháu… và những phong tục tốt đẹp thì nên giữ lại, còn những hủ tục mê tín thì nên bỏ đi. Lễ hội cũng nên cải tiến các nghi thức theo hướng văn minh, không nên mê tín.

Ông nghĩ người dân có thể gộp Tết vào tương lai hay không?

GS Võ Tòng Xuân: Nếu nâng cao ý thức về công việc thì không thể nào bỏ công việc để ăn chơi dài ngày, tốn sức khỏe. Sẽ đến lúc người Viêt có ý thức về kỷ luật lao động và hiểu được việc mất một ngày công là mất tiền nên mình thay đổi.

Tôi thấy đã có những tín hiệu báo hiệu sự thay đổi và lượng người ủng hộ ngày càng tăng. Những hoạt động trong ngày Tết dương lịch cũng ngày một lớn hơn, lãnh đạo Nhà nước cũng truyền thông điệp năm mới như nhiều nước trên thế giới.

Nhật Bản họ dám thay đổi những cái không có lợi cho đất nước. Việt Nam nếu cũng có chính sách như vậy thì lao động Việt Nam có thể còn tốt hơn của Nhật. Tôi rất tin tưởng có những sự đổi mới trong đất nước mình để người dân tập theo nếp sống mới, để làm giàu cho mình, làm giàu cho đất nước.

Ví dụ như đội mũ bảo hiểm, ban đầu nhiều người phản đối, kêu ca, nhưng bây giờ Nhà nước quyết tâm thực hiện thì dân đã ý thức được mũ bảo hiểm như một nhu cầu.

Phát hiện clip nóng của vợ và nhân tình, chồng tra hỏi thì bị mắng: 'Đồ đàn bà'

Sau một năm dài miệt mài làm việc xa xứ, thay vì được đón Tết đầm ấm với gia đình, người đàn ông này lại đau đớn phát hiện vợ mình ân ái với kẻ khác.

TIN MỚI NHẤT